Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Đẹp ngỡ ngàng những “thiên đường mây”

Nếu ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Cao Bằng chắc hẳn đều ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên vùng cao hùng vĩ, thơ mộng với trời mây bồng bềnh phiêu lãng, ôm ấp miên man non núi. Tạm quên đi sự náo nhiệt, ồn ào nơi thành thị, những người lữ khách phương xa rủ nhau lên miền sơn cước săn mây, lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên.
Mây bồng bềnh trên đỉnh Phja Oắc (Nguyên Bình)
Mây bồng bềnh trên đỉnh Phja Oắc (Nguyên Bình).


“Săn biển mây” hoặc “săn mây” là từ ngữ được cộng đồng du lịch hoặc “phượt thủ” nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Gọi là “săn” bởi biển mây chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định, chừng vài phút sau sẽ trở thành màn sương mù dày đặc phủ kín không gian. Khoảnh khắc hiếm hoi ấy vì thế mà trở nên vô giá. Cảm xúc khi được đứng ở trên cao, chiêm ngưỡng biển mây rộng lớn như chốn “bồng lai tiên cảnh” có lẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được.

Điểm đến đầu tiên của hành trình săn mây chính là đỉnh núi Phja Oắc (Nguyên Bình) cao 1.935 m được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, trong lành cùng thảm thực vật phong phú, đa dạng. Chinh phục đỉnh Phja Oắc, du khách sẽ vượt qua những cung đường dốc uốn lượn giữa rừng già, với nắng, gió và mây mù che phủ quanh năm. Bên gốc cây “cô đơn” trên đỉnh núi, phóng mắt nhìn ra xa, từng dải mây quấn quanh dãy núi sà xuống khu rừng nguyên sinh, chui vào kẽ lá, lùa theo gió. Theo kinh nghiệm của những người săn mây, mùa mây đẹp nhất ở Phja Oắc từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Đặc biệt vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 thường có luồng mây dày và hoa đỗ quyên rừng nở rộ. Du khách muốn săn mây phải đi từ lúc sáng sớm tinh mơ, thời điểm mặt trời chuẩn bị ló rạng. Bên cạnh đỉnh Phja Oắc đã quá quen thuộc, thì Ca Thành (Nguyên Bình) là một lựa chọn không tồi đối với dân phượt. Cách Thành phố 55 km, Ca Thành mang vẻ đẹp yên bình làm cho du khách lạc bước đến đều thấy xao xuyến. Hít căng lồng ngực bầu không khí trong mát, ngắm nhìn từng nếp nhà sàn vùng cao, từng thửa ruộng bậc thang ẩn hiện dưới lớp mây trắng huyền ảo, có lẽ quãng đường dài thấm mệt vừa qua không hề lãng phí.

“Biển mây” Lục Khu (Hà Quảng).
Biển mây” Lục Khu (Hà Quảng).


“Cao nguyên đá” Lục Khu (Hà Quảng) là nơi lý tưởng cho những tâm hồn đam mê xê dịch. Từ thị trấn Xuân Hòa men theo quốc lộ 4B qua các xã Thượng Thôn, Nội Thôn, Tổng Cọt… dấu ấn Lục Khu là các cung đường gập ghềnh lên dốc, xuống dốc rồi lại lên dốc, hết men theo vách núi ngoằn ngoèo lại ngoặt ngay sang những chỗ cua ôm gấp gáp. Ai nấy đều choáng ngợp vì cảnh tượng kỳ ảo - con đường vừa đi qua trông như dải lụa trắng thắt hờ vòng eo núi đá.

Những tầng mây lúc thì mềm mại trôi trên đỉnh núi, lúc lại cuồn cuộn dưới nền trời xanh thẳm như con sóng của biển cả mênh mông khiến cho con người ta cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Nếu ưa thích chinh phục, mạo hiểm, du khách còn có thể thử săn mây trên đỉnh núi Pắc Kinh (xã Thượng Thôn) khám phá khung cảnh thiên nhiên đầy vẻ hoang sơ, ma mị.

Đồi cỏ Phiêng Mường - điểm “săn mây” lý tưởng.
Đồi cỏ Phiêng Mường - điểm “săn mây” lý tưởng.


Cách Thành phố khoảng 160 km, đồi cỏ Phiêng Mường, xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) là điểm săn mây hoàn toàn mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn. Men theo con đường mòn đầy thử thách sẽ thấy đồi cỏ trập trùng, xanh tươi ngút ngàn, rộng bao la tựa thảo nguyên. Đến đây, du khách thỏa sức nô đùa, chạy nhảy, dựng lều cắm trại. Phiêng Mường đẹp nhất trong mắt nhiều phượt thủ đó là khi buổi sớm bình minh, thời khắc trời đang còn tờ mờ, mây kết đọng lại trên núi cao bềnh bồng. Ngỡ tưởng mây là cái gì đó rất xa xôi nhưng lại gần ngay tầm mắt.

Đến với non nước Cao Bằng, chắc chắn du khách sẽ có chuyến hành trình thú vị không thể nào quên được.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây