Đắm say hát lượn ngày xuân của người Tày
- Thứ ba - 04/02/2020 07:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Tày, lượn có rất nhiều thể: lượn Then, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Ngạn… Ở khắp bản làng người Tày xưa không bao giờ vắng tiếng lượn, lượn vang lên từ nhà, ngoài nương rẫy, ngày chợ phiên, dịp lễ, tết...
Không chỉ thanh niên mà cả người già và trẻ nhỏ cũng hát lượn. Các điệu lượn xuất hiện ở mỗi nơi có một cách hát và chức năng khác nhau nhưng có điểm chung là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Tày. Họ hát lượn để xua đi mệt mỏi, bày tỏ tâm tư, tình cảm… Vì thế, hát lượn từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Tày. Đặc biệt, khi Tết đến, xuân về những làn điệu hát lượn luôn được cất lên ngọt lành, êm ái và da diết, trở thành “chiếc cầu” nối duyên cho các chàng trai, cô gái Tày.
Theo phong tục Tết cổ truyền của người Tày, từ ngày mùng 3 Tết là ngày bắt đầu đi vui xuân. Từng đoàn, từng tốp gái trai mặc những bộ quần áo mới còn thơm mùi chàm, tìm đến gặp nhau, có thể là do hẹn hò từ trước Tết hay có thể mới ngẫu nhiên quen nhau. Họ hát lượn đối đáp để chào mừng nhau, bày tỏ tình cảm, mừng xuân mới…; đến chiều tối các đoàn chàng trai, cô gái thiết tha mời về bản mình.
Cha mẹ chàng trai, cô gái đón tiếp rất niềm nở, ăn uống thịnh soạn, coi đó là niềm vinh dự, hạnh phúc cho con của nhà mình. Sau bữa cơm rượu Tết, các chàng trai, cô gái chủ nhà mời khách tới tập trung tại một nhà sàn rộng rãi tiến hành hát lượn đối đáp. Nếu cuộc hát đối đáp ăn ý và hợp nhau thì có thể diễn ra liên tiếp 2 - 3 đêm, càng hát càng quyến luyến, đậm đà. Ban ngày, các chàng trai, cô gái rủ nhau đi chơi hội, tối đến lại cùng nhau quay trở về để tiếp tục cuộc lượn đối đáp trong những đêm xuân.
Trong những đêm xuân ấy, cuộc hát lượn diễn ra với nhiều giai điệu, cấu trúc, lời văn khác nhau nhưng đều được ứng tác tại chỗ theo tình huống, hoàn cảnh diễn ra cuộc hát lượn và theo một cung lượn: lượn mời, lượn mừng, làm quen, lượn kết (gắn kết, kết duyên), lượn giã bạn… Trong đó, lời mời hát lượn luôn thể hiện sự hiếu khách của người Tày vừa vồn vã, tha thiết: Anh ơi vào bản với em nhé/Nơi gạo trắng nước trong bốn mùa/Đừng sợ mưa nắng anh ơi/Đến rồi nghiêng ngả đắm say…
Sau khi đã ướm lời mời của gia chủ mà khách cũng đồng ý thì cuộc hát lượn chính thức bắt đầu. Những lời đối đáp mở đầu cho những đêm xuân đắm say rất ngọt ngào, nhẹ nhàng, tinh tế, chứa đựng ý tình, như lời hát lượn của chàng trai: Em ơi xuân về én lượn trên cao/Vườn xuân bướm lượn bay vào bay ra/Ngắm vườn xuân anh đứng từ xa/Mà chưa có được lời ai đón mời…
Người Tày quan niệm qua những lời hát lượn có thể thấy được trình độ, hiểu biết, cách ứng xử của người hát nên khi cuộc hát càng dài, đêm xuân càng khuya khi lời đã ngỏ, ý đã bày tỏ và cả những mối lương duyên đã bắt đầu được nhen nhóm thì cũng là lúc những đoạn hát lượn thể hiện sự gắn kết chuyển sang giao duyên, tỏ tình. Em ơi đêm xuân hương ngan ngát/Cỏ non bịn rịn cựa mình dậy xanh/Có đôi chim lạ nọ đã chuyền cành/Mùa xuân nắng dệt mành uyên ương…
Lời hát nữ: Đêm xuân mở tiệc rượu tưng bừng/Đón mừng khách quý từ phương xa/Đêm xuân cùng háo hức hát ca/Mời anh uống hết chén rượu đêm nay… Lời đáp nam: Được em nâng chén rượu mời/Lời như có mật rót vào tai/Rượu chưa uống mà lòng đã say…
Những đêm hát lượn luôn có sức hút khiến cả người hát, người nghe đều đắm mình vào những đoạn hát lượn đối đáp ấp ủ tình yêu đẹp, để rồi có thể từ những đêm xuân hát lượn đó chuyện tình yêu sẽ đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt với lời hẹn nhau khi giã bạn: Thương nhau nước tràn bờ cũng sang/Mến nhau mấy non ngàn cũng tới…
Bên hiên nhà sàn tại thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa), đôi trai gái Tày say sưa hát lượn đối đáp mừng xuân. |
Lần theo những câu hát ngọt ngào ấy, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Nghệ nhân Ưu tú Nông Thế Anh, dân tộc Tày, xóm Nà Ca, xã Trọng Con (Thạch An) - nơi được những người yêu hát lượn coi là “điểm hẹn”. Cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, những người yêu các làn điệu hát lượn đối đáp người Tày lại cùng nhau tụ hội tại đây.
Ông Nông Thế Anh cho biết: Những đêm hát lượn ngày xuân chính là “cầu nối” se duyên của vợ chồng tôi. Thuở thanh xuân, vợ chồng tôi được xem là đôi “trai tài, gái sắc”, tôi biết thổi sáo, kéo nhị, hát lượn, còn bà biết đánh đàn tính, hát then… Vợ tôi là người cùng xã, qua những đêm lượn hát đối đáp mà cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Theo tập quán người Tày, các cuộc hát lượn đối đáp những đêm xuân không chỉ dành riêng cho các chàng trai, cô gái tuổi cập kê mà còn là cuộc vui của cả bản làng. Trong những đêm xuân hát lượn đối đáp ấy, ngoài những người trong cuộc (chàng trai, cô gái trực tiếp hát lượn đối đáp) còn có các bạn gái, bạn trai ở trong làng cũng đến tham dự tìm hiểu, học hỏi những bài hát lượn đối đáp để tập làm quen dần với những buổi lượn vui đối đáp sau này. Còn có các bà, các mẹ, các bác cũng rộn ràng tới nghe hát lượn đối đáp đêm xuân để tưởng nhớ những buổi hát lượn trong thời trẻ đã qua làm cho cuộc hát thêm vui.
Men theo triền núi, giữa núi rừng mênh mông, sương giăng khắp bản, tiếng hát lượn vang lên như mê hoặc lòng người. Bên bếp lửa nhà sàn, lời hát lượn trầm bổng, rộn ràng hối thúc. Từng lời, từng tiếng như chắt lọc tinh hoa trời đất, đọng lại thành câu hát. Dẫu chỉ nghe một lần hay nhiều lần đều có sức hút kỳ lạ, bởi thẳm sâu trong câu hát là khát vọng sống cao đẹp của người Tày và ẩn chứa trong câu hát lượn đối đáp còn là những khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa đặc sắc.