Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Công viên địa chất Non nước Cao Bằng - Miền đất của những lễ hội truyền thống độc đáo

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được biết đến là miền đất hội tụ và lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong đó, nổi bật là kho tàng lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử lâu đời của các dân tộc nơi đây.
1
Lễ hội Đền Kỳ Sầm (thành phố Cao Bằng) được tổ chức từ tối mùng 9 đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng CVĐC. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 lễ hội lớn, nhỏ, chủ yếu là lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội du lịch. Trong đó, có 02 lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia: Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành và Lễ hội Tranh đầu pháo, thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa). Phần lớn các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, gắn liền với tín ngưỡng và phong tục đặc trưng của từng dân tộc.

Đến với miền Non nước Cao Bằng, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, mà còn có cơ hội hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội truyền thống và trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

2
Người dân nô nức trẩy hội đền Vua Lê (Hoà An).

Lễ hội Tranh đầu pháo

Lễ hội Tranh đầu pháo được tổ chức vào ngày 02/02 âm lịch tại thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa) là một trong những lễ hội quy mô lớn nhất tại Cao Bằng. Truyền thuyết kể rằng đầu pháo của Quảng Uyên được vị thần ở Bách Linh tự phù hộ, mang lại linh thiêng và may mắn. Hội Tranh đầu pháo không chỉ là cuộc tranh tài thể hiện sức mạnh và tinh thần thượng võ, mà còn là dịp để cầu mong một năm phát tài, phát lộc. Ai bắt được vòng lộc pháo hoa sẽ nhận được phúc lành suốt cả năm. 

Lễ hội Nàng Hai

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của người Tày diễn ra tại xã Tiên Thành (Quảng Hòa) và xã Kim Đồng (Thạch An). Lễ hội thường bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba âm lịch. Theo tín ngưỡng dân gian của người Tày, trên trời có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên (Nàng Hai) là con gái của Mẹ Trăng, chịu trách nhiệm chăm lo và bảo vệ mùa màng cho nhân gian. Trước ngày hội, người Tày chuẩn bị lễ vật chu đáo, trang trí không gian thờ cúng tại nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. Lễ hội bao gồm ba phần chính: Lễ đón Hai, Lễ cầu Hai và Lễ đưa Hai với nghi thức mời hồn Mẹ Trăng và các Nàng Hai nhập vào hai cô gái trẻ trong làng, được gọi là Nàng Gường và Nàng Sở, tượng trưng cho các nàng tiên giáng trần ban phúc lành cho người dân. Trong không gian linh thiêng, các làn điệu dân ca truyền thống được cất lên thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với thần linh, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

3
Lễ hội Nàng Hai mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày ở Cao Bằng.

Lễ hội Thanh Minh

Lễ hội Thanh Minh được tổ chức hằng năm vào tiết Thanh Minh tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, gắn liền với tục lệ thờ thần tại Miếu thờ Thanh Minh (Rận Sinh Mình) của dân tộc Nùng. Đây là dịp để đồng bào tưởng nhớ tổ tiên, tri ân công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, đồng thời cầu cho mùa màng bội thu, bản làng bình yên, gia đình ấm no, hạnh phúc. Lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện tình cảm động của đôi trai gái người Nùng An có tên là Thanh và Minh. Họ yêu nhau tha thiết nhưng bị ngăn cấm bởi những hủ tục hà khắc. Không thể đến được với nhau, họ quyết định tìm đến cái chết để mãi mãi gắn bó. Chính vì lẽ đó, Lễ hội Thanh Minh mang ý nghĩa tôn vinh tình yêu chung thủy, sắt son của lứa đôi đồng thời thể hiện tinh thần đấu tranh chống lại áp bức, bất công và những hủ tục phong kiến lạc hậu.

Lễ hội Thanh Minh diễn ra với các nghi thức tưởng niệm, ôn lại câu chuyện tình bi thương cùng khát vọng về tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, lễ hội còn bao gồm các nghi thức tạ ơn Thổ Công, Thần Nông, cầu phúc, cầu mùa, mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trong vùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, các thợ rèn thủ công địa phương có cơ hội giới thiệu kỹ thuật chế tác nông cụ truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển nghề rèn lâu đời. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng, văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, Lễ hội Thanh Minh không chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc Nùng An.

Các lễ hội đền, chùa

Các lễ hội đền, chùa tại tỉnh Cao Bằng thường diễn ra từ mùng 6 đến 30 tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã hi sinh vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Vào ngày lễ, các nghi thức cúng tế trang nghiêm được tổ chức, thu hút đông đảo người dân trong bản làng và các vùng lân cận đến tham gia. Trong đó, nổi tiếng là các lễ hội truyền thống: Lễ hội đền Vua Lê (Hoà An); Lễ hội chùa Đống Lân, Lễ hội chùa Đà Quận, Lễ hội đền Kỳ Sầm (thành phố Cao Bằng)…

5
Nét đẹp văn hoá của tục xin chữ, xin câu đối đầu năm tại các lễ hội truyền thống.

Lễ hội truyền thống mang ý nghĩa nhân văn, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của con người, thể hiện khát vọng về quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là không gian bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, góp phần lan tỏa các làn điệu dân ca đặc sắc như: hát Then, Sli lượn, Phong slư, Dá hai, Hà lều… trong đời sống đương đại. Qua các lễ hội truyền thống, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận, kế thừa di sản văn hóa, từ đó gìn giữ bản sắc truyền thống và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc.

6
Đông đảo du khách tham gia trò chơi dân gian tại Lễ hội Đền Kỳ Sầm (Thành phố Cao Bằng).

Với giá trị văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc, lễ hội truyền là nhịp cầu kết nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ hôm nay thấu hiểu, trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng gắn kết và phát huy tinh thần đoàn kết. Qua đó, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, tạo dấu ấn độc đáo, thu hút du khách; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa của CVĐC Non nước Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tác giả bài viết: Lương Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây