Cọn nước – đặc trưng trong văn hóa Cao Bằng
- Thứ năm - 14/07/2022 07:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cọn nước Cao Bằng từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân các tỉnh miền núi nói chung và người dân Cao Bằng nói riêng. Lợi dụng dòng nước chảy, người dân đã sáng tạo ra cọn nước, dòng nước chảy càng mạnh thì cọn nước càng quay nhanh– đây là một minh chứng thể hiện sự sáng tạo kỹ thuật trong thủy lợi phục vụ cho việc dẫn nước, tưới tiêu, giã gạo,…; là công trình văn hóa mang đậm bản sắc văn minh nông nghiệp từ xa xưa ghi lại cách đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao mà không phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào mương dẫn nước.
Cọn nước được làm bằng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: tre, nứa, gỗ. Mỗi cọn nước gồm có 3 phần chính gồm: trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Tùy theo từng địa hình và mức nước khác nhau ở mỗi vị trí mà người dân địa phương quyết định dựng các cọn có kích thước to hoặc nhỏ. Để tiện hơn trong việc dẫn nước người dân bản địa còn dựng những cọn nước ở gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm.
Nếu coi sự ra đời của “công cụ lao động” gắn với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng thì cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng miền núi. Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, cọn nước đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng, thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của người dân bản địa trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã cho xây dựng một số mô hình cọn nước phục vụ nhu cầu check in của du khách như: Khu vực cọn nước tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đây - một trong những điểm ngắm cảnh, trải nghiệm của công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng; Mô hình cọn nước truyền thống nằm ngay trung tâm Phố đi bộ Kim Đồng; Những mô hình cọn nước tại khu di tích lịch sử Kim Đồng thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Hình ảnh cọn nước quay chậm rãi ngày đêm không nghỉ hòa cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của miền non nước Cao Bằng.