Chương trình phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng năm 2022
- Thứ hai - 18/07/2022 13:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, làm hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan. Linh hoạt ứng phó với tình hình này, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 651/KH-UBND ngày 22/3/2022 về tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh Cao Bằng trong điều kiện bình thường mới, thông qua các hoạt động như:
*Tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến qua các hoạt động: Hội đàm giữa Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Việt Nam) và CVĐC toàn cầu Lạc nghiệp, Phượng Sơn (Trung Quốc); làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xây dựng hình ảnh du lịch Cao Bằng “thân thiện, an toàn và hấp dẫn”, “CVĐC Non nước Cao Bằng – “Xứ sở thần tiên” trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội...; phối hợp với VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện phóng sự chuyên đề về du lịch cộng đồng tại địa phương; phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng và các chuyên gia, cơ quan báo chí truyền thông tổ chức khảo sát, đánh giá điểm đến tại huyện Nguyên Bình và Trùng Khánh; tham gia hoạt động văn hóa, du lịch tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội năm 2022”, tập trung giới thiệu, quảng bá những đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương và biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Lô Lô; chương trình Du lịch về nguồn năm 2022 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng.
* Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch: Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 2269/KH-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh về phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022 tỉnh Cao Bằng. Tăng cường phối hợp với các đơn vị tư vấn thống nhất nội dung triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, thư viện và quản lý di sản văn hóa.
*Tăng cường triển khai kích cầu du lịch: Thông qua việc đổi mới, cải tạo cảnh quan, khuôn viên, hình thành điểm check-in đẹp, phù hợp trào lưu được du khách đón nhận tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; ban hành văn bản triển khai các gói kích cầu du lịch đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sau khi các đơn vị đăng ký.
*Phát triển sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch tại: Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc); Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình); Điểm check - in đỉnh cao Phja Oắc, xã Thành Công (huyện Nguyên Bình);…
Tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Hà Giang cho đối tác CVĐC nhằm nâng cao nhận thức và chất lượng dịch vụ tại đơn vị; đẩy mạnh công tác hợp tác, liên kết phát triển tuyến du lịch số 5 kết nối giữa 02 CVĐC toàn cầu UNESCO Cao Nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) –Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).
Với những chính sách thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nên kết quả hoạt động kinh doanh du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng có chuyển biến tích cực ước đạt: Tổng lượt khách 391.121 lượt, tăng 29,2% so với cùng kỳ, trong đó: khách du lịch quốc tế 3.669 lượt, tăng 220% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 387.452 lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 154,1 tỷ đồng, tăng 281,2 % so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng ước đạt 38,2%.
Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục thực hiện Kế hoạch phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh Cao Bằng thông qua việc tổ chức cuộc thi viết các sự tích, câu chuyện về các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng clip ẩm thực “Món ngon Cao Bằng”; triển khai Mô hình “Homestay nói không với ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; tiếp tục triển khai thí điểm mô hình nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch tại xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh…
Có thể nói, đây cũng là thời cơ vàng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Song, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngoài việc hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt, khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch nhằm dần dần khẳng định thương hiệu điểm đến Cao Bằng trên thị trường trong nước và quốc tế.