Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Chinh phục những ngọn núi ở Cao Bằng

Cao Bằng với địa hình cao nguyên núi đá vôi xen lẫn núi đất và thung lũng bằng phẳng tạo nên nhiều thắng cảnh đẹp. Khí hậu nơi đây ôn hòa, môi trường thiên nhiên trong lành, đa dạng hệ sinh thái, vào mùa hè cảnh sắc tuyệt đẹp, mát mẻ là điểm đến du lịch hấp dẫn, lý tưởng.

 

Nắng chiếu lên Phja Dạ (Bảo Lạc) như tháp lửa khổng lồ.

Với địa hình cao nguyên núi đá vôi đa dạng, Cao Bằng có những dãy núi, ngọn núi mang vẻ đẹp độc đáo riêng từ độ cao, cảnh sắc thiên nhiên, hệ sinh thái và văn hóa đặc sắc từng dân tộc, vùng miền. Đi theo hướng Tây bạn đến với dãy núi cao từ 600 - 2.000 m so với mực nước biển, điển hình như: Phja Đén, Phja Oắc (Nguyên Bình) từ 800 - 1.900 m, Phja Dạ (Bảo Lạc) gần 2.000 m, Phjêng Mòn (Bảo Lâm) trên 1.000 m... Đến những ngọn núi này, bạn như chạm tới trời bởi không phân biệt được khoảng cách giữa núi và mây trời. Càng lên cao càng nhiều mây bay từng lớp, cuồn cuộn, với tay ra bạn có thể chạm vào mây nhẹ bay. Sau từng lớp mây là có nắng từng đợt dài chạy qua để bạn phóng tầm mắt nhìn xuống phía dưới chân mình ngắm từng dải mây trắng bồng bềnh chồng xếp lên nhau.

Núi mắt thần. Ảnh: T.V

Cùng với ngắm cảnh bồng bềnh mây núi hòa mình với thiên nhiên trong lành, mát mẻ, bạn còn được đến bởi Vườn quốc gia Phja Oắc với hàng trăm loài thực vật. Khám phá ngọn Phja Dạ - ngọn núi nhiều đổi thay bởi khi ánh nắng vàng hắt vào những vách đá trơn màu ngà cao vút trông như tháp lửa khổng lồ, khi mưa nước từ trên cao đổ xuống vách đá như tháp nước từ trên trời tuôn xuống, khi sương mây núi ẩn hiện trong mây trắng không biết đâu là đỉnh núi. Đến Phjêng Mòn (Bảo Lâm) ngắm mây trôi bồng bềnh trên dãy núi bình yên. Gặp gỡ, trải nghiệm “văn hóa núi” đá nơi đồng bào Dao, Mông, Lô Lô... quần cư sinh sống. Mỗi bản, làng có nét văn hóa độc đáo riêng từ không gian kiến trúc nhà sàn, ẩm thực miền sơn cước, trang phục, nghi thức sinh hoạt...
Từ hướng Tây sang hướng Đông, bạn đến với Núi mắt thần (Trà Lĩnh) là kiệt tác thiên nhiên kỳ diệu ban tặng cho Cao Bằng, không nơi nào có được. Gọi Núi mắt thần - Núi thủng, bởi giữa ngọn núi cao có khoảng trống hình bầu dục rất lớn, từ bên này nhìn rõ sang bên kia núi. Nét độc đáo của Núi mắt thần là nằm trong khu vực hệ thống hồ Thang Hen liên thông nhau, có dòng chảy trên mặt hồ và dòng chảy ngầm. Vì thế phong cảnh bao quanh Núi mắt thần được thay đổi theo mùa. Mùa đông - xuân là mùa khô không có mưa, chân núi mắt thần là thảm cỏ xanh mướt bằng phẳng như tấm thảm nhung. Mùa hè (tháng 6 - 8 hằng năm) là mùa mưa nước dâng lên thành hồ lớn làm cho Núi mắt thần càng nổi bật lên như một chiếc mắt khổng lồ hiện lên giữa hồ nước, tạo thành khung cảnh kỹ vĩ độc đáo.

Những dãy núi hình tháp chóp chạy dài bên dòng sông Quây Sơn.

Từ huyện Trà Lĩnh đi sang Trùng Khánh, bạn sẽ ngắm những dãy núi hình tháp chóp chạy dài trên thung lũng bằng phẳng bên dòng sông Quây Sơn xanh ngắt. Đi thăm ngôi làng cổ người Tày ở Khuổi Ky với những ngôi nhà trình tường độc đáo. Đến huyện Thạch An, bạn đến với núi Báo Đông cao gần 1.000 m, thăm di tích Đài quan sát Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950. Từ trên ngọn núi này bạn có thể quan sát với tầm nhìn xa hàng chục km, xung quanh là những ngọn núi hình chóp như những bàn tay Phật khổng lồ giơ lên đón mây trời. 
Theo hướng Bắc bạn sẽ đến với những dãy núi đá cao độc đáo vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng khám phá không gian “văn hóa núi đá” đồng bào Mông. Độc đáo hơn có Cúc đá ở Lũng Luông, xã Kéo Yên. Các nhà khoa học xác định đây là điểm đứt gẫy địa tầng đầu tiên có hóa thạch Cúc đá (Ammonite) - tên nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm, đại diện cho đứt gẫy địa tầng sâu Cao Bằng - Tiên Yên hướng Tây Bắc - Đông Nam, có giá trị quốc tế.
Mỗi ngọn núi sở hữu rất nhiều phong cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn và sẽ mang đến cho bạn cái nhìn khác, thú vị khi chinh phục những ngọn núi ở Cao Bằng. 

 
Trường Hà

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây