Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Chinh phục đèo Nà Tềnh 20 khúc cua ở Cao Bằng

Nằm trên cùng một cung đường với đèo Khau Cốc Chà 15 tầng nổi tiếng, đèo Nà Tềnh có 20 khúc cua thoải, phong cảnh thơ mộng nhưng chưa được nhiều người biết đến.
CB

Cao Bằng là tỉnh có nhiều con đèo đẹp của Việt Nam, có thể kể đến như đèo Khau Cốc Chà 15 tầng, đèo Mã Phục 7 tầng. Trong số những con đèo ở Cao Bằng, đèo Nà Tềnh với 20 khúc cua ít được nhắc đến hơn.

Trên cung đường từ Hà Giang đi Cao Bằng, qua đèo Khau Cốc Chà khoảng 15 km là đèo Nà Tềnh. Đèo Nà Tềnh nằm trên địa bàn xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, giáp ranh với xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

CB

Khi lên lịch trình cho chuyến đi phượt Cao Bằng bằng xe máy vào cuối tháng 9, anh Lê Thanh Bình (29 tuổi, Hà Nội) đã tình cờ nhìn thấy hình ảnh đèo Nà Tềnh trên ứng dụng chỉ đường.

Thấy con đèo uốn lượn và quanh co với nhiều khúc cua đẹp mắt, lại chưa được nhiều phượt thủ biết đến, anh đã quyết định đưa con đèo vào danh sách các điểm đến trong chuyến đi.

CB

Khác với cảm giác choáng ngợp của đèo Khau Cốc Trà với 15 tầng đèo thẳng đứng như bậc thang trên vách núi có độ dốc cao, đèo Nà Tềnh có độ dốc thoải hơn và uốn lượn mềm mại như một dải lụa.

"Các khúc cua tương đối nhẹ, không có khúc cua gấp. So với đèo Khau Cốc Chà thì Nà Tềnh dễ đi hơn", anh Bình nói

CB

Xen kẽ 20 khúc cua là những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng ngô nằm lưng chừng núi. Các phượt thủ có thể vừa chinh phục đèo, vừa ngắm cảnh sắc thiên nhiên Cao Bằng ở 4 phía.

CB

Từ ngày 15 đến ngày 17/9, Trương Ngọc Quyền (27 tuổi, TP HCM) đã đến Cao Bằng trải nghiệm đạp xe theo cung đường từ đèo Khau Cốc Trà - Thung lũng Xuân Trường - Đèo Nà Tềnh.

Đối với đèo Khau Cốc Chà, Quyền đạp xe theo hướng lên dốc còn đèo Nà Tềnh theo hướng xuống dốc.

CB

Trước đây, Quyền đã trải nghiệm đạp xe ở nhiều nơi, trong đó có cả những con đèo nằm trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam như đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), đèo Khau Phạ (Yên Bái).

Điểm khiến Quyền ấn tượng là thay vì một bên là vực một bên là núi đá, khung cảnh hai bên đèo Nà Tềnh vừa gần gũi vừa thơ mộng với những cánh đồng lúa xanh rì và những bản làng, mái nhà của người dân.

CB

Đường đèo Nà Tềnh khá đẹp và bằng phẳng, thích hợp cho cả trải nghiệm đạp xe đạp hoặc phượt bằng xe máy. "Nên đi chậm để có thể ngắm cảnh và tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành", Quyền chia sẻ.

Trải nghiệm đèo Nà Tềnh theo chiều xuống dốc, dù không tốn sức nhưng nguy hiểm hơn so với chiều đi lên. Dù khúc cua không gấp song vì phải cua liên tục 20 lần nên cần thẩn thận, tránh đi vào ngày mưa vì đường trơn trượt.

CB

Thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm đèo Nà Tềnh là khoảng tháng 9 - 10, khi mùa vàng về trên những thửa ruộng bậc thang, điểm các sắc vàng xen kẽ giữa màu xanh của núi rừng. Du khách, phượt thủ cũng có thể đến đây vào khoảng tháng 5 - 7, khi những nương ngô phủ lên hai bên đèo một màu xanh tươi mát.

CB

Nằm trên cùng một cung đường, du khách nên trải nghiệm cả đèo Khau Cốc Chà. Con đèo bám theo chiều dựng đứng của ngọn núi Cốc Chà, nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc.

Tuy dài khoảng 2,5 km nhưng đèo có tới 14 "cua tay áo", tạo thành 15 tầng dốc và hiểm trở. Trước đây đèo chỉ là đường mòn có bề ngang rộng khoảng 40 cm. Từ năm 2009 - 2011, chính quyền tỉnh Cao Bằng đầu tư, mở rộng mặt đường lên 5 m và trải bê tông. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong 10 cung đèo nguy hiểm nhất Việt Nam, thu hút nhiều phượt thủ đến thử thách, theo trang web Trung tâm Văn hóa và Thông tin Du lịch Cao Bằng.

Nguồn tin: Vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây