Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Cao Bằng phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, du lịch xanh.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực tăng trưởng, góp phần quan trọng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cao Bằng cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Cao Bằng tập trung phát triển hạ tầng du lịch trong đó trọng tâm là xây dựng chiến lược, quy hoạch, du lịch, xây dựng môi trường, sản phẩm du lịch phong phú đa dạng. Phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững, lấy màu xanh của thiên nhiên, các cảnh quan kỳ vỹ còn được bảo tồn nguyên vẹn, lấy các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống cách mạng là giá trị cốt lõi, là yếu tố khác biệt để định vị các sản phẩm du lịch mà không có địa phương nào có được. Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh.

Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, sinh kế bền vững từ nông nghiệp cho người dân, thực hiện mô hình kết hợp du lịch xanh, nông nghiệp xanh. Tập trung quy hoạch, định hướng liên kết vùng để từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Khẩn trương triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số... Đối với xây dựng nông thôn mới, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương nhất là Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Cao Bằng khai thác và phát huy tối đa các lợi thế của tỉnh; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, biên mậu, chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu (đầu tư nâng cấp cửa khẩu, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang). Đặc biệt có chính sách đối tác công tư (PPP) xã hội hóa mạnh các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm (trước mắt là đầu tư hoàn thành tuyến đường cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn) - thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2019 - 2022 để tạo động lực phát triển kinh tế), phát triển dịch vụ hậu cần, Logistics khu kinh tế cửa khẩu...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nguồn tin: Chính phủ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây