Các di tích lịch sử cách mạng ở Cao Bằng
- Thứ hai - 25/05/2020 08:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
KHU TƯỞNG NIỆM HOÀNG ĐÌNH GIONG
Khu tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Đình Giong tại phường Đề Thám (Thành phố). |
Khu tưởng niệm Hoàng Đình Giong tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, cách trung tâm Thành phố 5 km, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1988. Đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ của tỉnh cũng như thường xuyên diễn ra các hoạt động báo công, kết nạp Đoàn, Đội… của địa phương.
Khu tưởng niệm xây dựng tại khu đất rộng 1.500 m2 với các hạng mục: khuôn viên Tượng đài Hoàng Đình Giong, Nhà lưu niệm - nơi bảo tồn, lưu giữ những kỷ vật quý báu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hoàng Đình Giong.
KHU DI TÍCH LỊCH SỬ KIM ĐỒNG
Khu di tích lịch sử Kim Đồng tưởng nhớ người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tại xã Trường Hà (Hà Quảng).
Khu di tích lịch sử Kim Đồng tại huyện Hà Quảng. |
Ngày 15/2/1943, trên đường làm nhiệm vụ từ Pác Bó trở về, Kim Đồng gặp toán lính đi tuần. Biết rõ lúc đó đang có cuộc họp quan trọng của cán bộ cách mạng ở Nà Kéo, Kim Đồng đã mưu trí, đánh lạc hướng địch, dũng cảm thu hút lực lượng địch để bảo vệ cuộc họp của lãnh đạo. Địch bắn đuổi theo, Kim Đồng hy sinh lúc mới 14 tuổi, Kim Đồng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
NHÀ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG LIỆT SĨ BẾ VĂN ĐÀN
Nhà tưởng niệm được xây dựng trên chính nền ngôi nhà tại quê nhà của liệt sỹ Bế Văn Đàn, tại xóm Bản Buống, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa). Nhà tưởng niệm mang phong cách kiến trúc nhà sàn truyền thống bản địa, xây 2 tầng, diện tích 270 m2, phía bên trong có ban thờ, ảnh chân dung Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. Bên trái Nhà tưởng niệm là nhà đón tiếp, trưng bày. Khu tưởng niệm có tổng diện tích 2.802 m2.
Người dân tham quan, dâng hương Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. |
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiếp tục nổ súng tiêu diệt địch. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị thêm hai vết thương và anh dũng hy sinh. Trong đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, được bầu là Chiến sĩ thi đua số một của Đại đoàn. Ngày 31/8/1955, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng nhì.
Ngoài 3 di tích, khu tưởng niệm nêu trên, tại Cao Bằng còn rất nhiều “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam tại huyện Nguyên Bình; Đồn Đồng Mu (Bảo Lạc) gắn với tên tuổi liệt sĩ Xuân Trường… Việc tham quan theo tour, tuyến cùng một chủ đề di tích lịch sử cách mạng sẽ là hành trình ý nghĩa với nhiều cảm xúc khó quên khi du khách đến với Cao Bằng.