Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Bước chuyển trong phát triển về kinh tế du lịch

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, lĩnh vực du lịch đã tạo được sự chuyển biến khá rõ nét. Lượng khách du lịch đến Cao Bằng từ năm 2016 đến nay đều tăng so với kế hoạch, tăng trưởng du lịch đạt từ 27 - 43%.

 

Du thuyền trên sông Quây Sơn - sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác.

NHỮNG THÀNH QUẢ ẤN TƯỢNG
Những mục tiêu, kế hoạch của Chương trình Phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 đề ra được thực hiện theo đúng tiến độ, tạo được những bước đột phá mới.
Các ngành, đơn vị chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai các nội dung thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), xây dựng hoàn thành Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Qua đó, từng bước quản lý và khai thác hiệu quả Khu du lịch thác Bản Giốc. UBND huyện Nguyên Bình đã lập tờ trình xin chủ trương và kinh phí lập Quy hoạch chi tiết Khu du lịch nghỉ dưỡng Phja Oắc - Phja Đén. Ngày 11/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTg về việc thành lập Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nhiều đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ liên quan được triển khai thực hiện, thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, hợp tác khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. 
Nổi bật và tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch Cao Bằng trong thời gian qua, đó là sau hơn 2 năm nỗ lực thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng, với trên 130 điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, phong cảnh độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế trong phạm vi 9 huyện của tỉnh được chia thành 3 tuyến du lịch: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”; Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”; Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, từ ngày 4 - 17/4/2018, tại Kỳ họp lần thứ 204, Hội đồng chấp hành UNESCO, họp tại Pari, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng đạt danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO. CVĐC Non nước Cao Bằng là công viên thứ hai của cả nước (sau CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang) được công nhận là CVĐC Toàn cầu UNESCO. 
Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt thứ 8, trong đó có Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành (Phục Hòa) đã được công nhận là một trong 7 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 
Tất cả những điểm nhấn đó đã tạo cho du lịch Cao Bằng có được một diện mạo mới, hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng trong nước và thế giới được nâng cao, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ 
Đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, để đạt được mục tiêu của Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đề ra, thời gian qua bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường du lịch tốt; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lao động du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch...
Trong hơn 2 năm, tỉnh đã đầu tư và thực hiện hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác một số hạ tầng, dịch vụ du lịch, như: Dự án Nhà trưng bày và làm việc của Khu di tích lịch sử Pác Bó, huyện Hà Quảng; Dự án Cải tạo nâng cấp mặt đường nội vùng và đoạn từ làng Bó Bẩm đến bờ suối ngã ba lán Khuổi Nặm - Khu di tích lịch sử Pác Bó; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; Hạng mục Cải tạo, nâng cấp đoạn đường tỉnh 212 lên đỉnh Phja Oắc thuộc Dự án đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch khu Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình; Dự án cải tạo, sửa chữa đường tỉnh 202 (đoạn từ quốc lộ 34 vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình); đầu tư tuyến đường bê tông và đưa vào khai thác danh lam thắng cảnh động Ghị Rằng (Trà Lĩnh)...
Đẩy mạnh công tác hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch, tích cực tham gia các hoạt động liên kết hợp tác theo Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" được tổ chức luân phiên tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên; các chương trình hội thảo, khảo sát tuyến điểm du lịch, gian hàng quảng bá du lịch... Phối hợp với Tổng cục Du lịch đồng chủ trì Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Cao Bằng (10/2017); tổ chức 2 Chương trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của hơn 70 đơn vị lữ hành trên cả nước. Các cơ quan báo chí địa phương, Trung ương chú trọng giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương, con người Cao Bằng, tiềm năng thế mạnh về du lịch của tỉnh... Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện tăng cường Hội đàm về hợp tác phát triển sản phẩm du lịch biên giới với các địa phương thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Phối hợp khai thông tuyến vận tải hành khách, hàng hóa quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc) và tuyến du lịch biên giới Cao Bằng (Việt Nam) - Tịnh Tây, Bách Sắc (Trung Quốc). 
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch tổ chức 5 lớp đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho 204 học viên. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về di sản địa chất và CVĐC cho hơn 700 cán bộ, công chức và người lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh...
 Cao Bằng đang chuyển mình trong phát triển về kinh tế du lịch, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, các chương trình, đề án, dự án trọng tâm trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

 
Thanh Thúy

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây