Bảo tồn và phát huy giá trị các nghề thủ công truyền thống
- Thứ ba - 04/02/2020 06:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
ĐA DẠNG CÁC LÀNG NGHỀ
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 di sản nghề thủ công truyền thống, tập trung chủ yếu tại các huyện: Quảng Uyên, Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc.
Huyện Quảng Uyên được biết đến là "thủ phủ" của những nghề thủ công truyền thống có tuổi đời trên 100 năm, như: rèn, dệt, nhuộm vải chàm Phúc Sen; đan lát tre, nứa ở Đoài Khôn, Hoàng Hải, Tự Do, Chí Thảo, Hạnh Phúc; làm hương Phja Thắp và giấy bản ở xã Quốc Dân…, mỗi nghề chứa đựng một ý nghĩa, một nét đẹp riêng. Bằng sự cần cù, khéo léo và sáng tạo, đồng bào người Tày, Nùng ở huyện Quảng Uyên đã gắn bó, giữ gìn nhiều nghề thủ công truyền thống của tổ tiên.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề rèn được đồng bào Nùng An, xã Phúc Sen gìn giữ và phát triển. Sản phẩm rèn chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng. Sản phẩm rèn của Phúc Sen vươn ra các tỉnh lân cận như: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn... và sang Trung Quốc.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung cho biết: Hiện nay, xã có 6/10 xóm làm nghề rèn với khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần quan trọng tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua nghề rèn truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến với Cao Bằng. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, ngày 29/1/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nếu như rèn dao, quai búa là nghề của đàn ông, con trai nơi đây, còn nghề của chị em phụ nữ Nùng An lại quanh quẩn bên khung cửi dệt vải, nhuộm chàm để làm ra những bộ trang phục truyền thống. Mặc dù không còn nhiều nhưng riêng xóm Khào A, Khào B với hơn 100 hộ dân vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống là mặc quần áo chàm của dân tộc mình, do đó, còn khá nhiều hộ vẫn duy trì nghề dệt vải, nhuộm chàm.
Cách làng rèn Phúc Sen khoảng 5 km, làng làm hương Phja Thắp và làng làm giấy bản Lũng Ỏ, xã Quốc Dân nằm cách quốc lộ 3 vài trăm mét. Nghề làm hương có từ lâu đời ở Phja Thắp, được truyền từ đời này sang đời khác. Sản phẩm hương Phja Thắp không chỉ phục vụ đồng bào Nùng An mà còn được nhiều người dân trong tỉnh ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt trên khắp các chợ phiên, thị trường trên địa bàn tỉnh bởi hương thơm đặc trưng, dễ chịu, đảm bảo an toàn vì làm từ những nguyên liệu tự nhiên. Còn nghề làm giấy bản ở xóm Lũng Ỏ nay chỉ còn một số hộ làm. Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, bởi sau khi chặt cây tước lấy vỏ, tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò.
Xóm Lạn Trên, Lạn Dưới cách quốc lộ 3 khoảng 3 km thuộc xã Đoài Khôn từ lâu nổi tiếng bởi các sản phẩm đan lát từ tre, nứa. Sản phẩm đan lát được người tiêu dùng trong vùng ưa chuộng. Hằng năm, cứ vào tháng 8 âm lịch là thời điểm những sản phẩm sọt gánh, bồ đựng thóc bán được nhiều nhất. Có những phiên chợ cả làng bán hàng trăm đôi sọt, bồ đựng thóc, với giá 100 - 120 nghìn đồng/đôi. Ngoài ra, ở các xã Chí Thảo, Hạnh Phúc, Hoàng Hải, Tự Do còn có nghề đan nón lá, đan mẹt, sàng. Nghề đan lát không những góp phần đem lại thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ nét đặc trưng của dân tộc.
Người dân xã Đoài Khôn (Quảng Uyên) gìn giữ nghề đan lát. |
Bên cạnh những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Tày, Nùng huyện Quảng Uyên, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc khác cũng được gìn giữ và phát huy cho đến hôm nay. Từ lâu đời, đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền đã có nghề chạm bạc và thêu tay, in hoa văn bằng sáp ong truyền thống. Trải qua thời gian, đến nay nghề chạm bạc, in hoa văn bằng sáp ong vẫn tồn tại và có vị trí nhất định trong đời sống của đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền.
Nghề dệt thổ cẩm phát triển mạnh ở 2 xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng) và khu vực thị trấn Nước Hai (Hòa An), dệt vải của dân tộc Lô Lô ở 2 xã Kim Cúc, Cô Ba (Bảo Lạc). Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công bằng chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ mà những tấm thổ cẩm với nhiều hình dạng vô cùng đặc sắc. Các sản phẩm thổ cẩm hiện nay khá phong phú về đường nét, màu sắc đẹp hơn và là món quà lưu niệm ý nghĩa mà các du khách thường chọn mua để tặng người thân, bạn bè khi có dịp đến với Cao Bằng.
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Bên cạnh một số nghề thủ công truyền thống, như: rèn nông cụ, làm hương, đan lát, dệt vải chàm, làm giấy bản, thêu tay, in hoa văn bằng sáp ong, chạm khắc bạc…, được trao truyền cho đến ngày nay, hiện có nhiều nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất do không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghề làm ngói máng ở xã Tự Do (Quảng Uyên) phát triển hưng thịnh nhất vào giai đoạn 1980 - 1995, sản phẩm xuất hiện khắp các huyện trong tỉnh và nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của sản phẩm phi brô xi măng, tôn nội, ngoại trên thị trường tạo sức ép cạnh tranh gay gắt cũng như nhu cầu thẩm mỹ của người dân khiến ngói máng không còn chỗ đứng.
Hay như nghề đan lát ở xã Chí Viễn (Trùng Khánh); xóm Lạn Trên, Lạn Dưới, xã Đoài Khôn (Quảng Uyên) có cách đây hàng trăm năm, đến nay cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống đan lát, bởi các sản phẩm từ nhựa được bày bán tràn lan, lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn nên nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống. Nghề đan lát trước là nghề thu nhập chính nay bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ lúc nông nhàn.
Phụ nữ Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) duy trì nghề thêu thủ công. |
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ngô Thị Cẩm Châu cho biết: Thực tế cho thấy, các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa được sự quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo tồn. Việc sản xuất các nghề còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là quy mô hộ gia đình nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm cũng như trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng khác.
Việc bảo tồn nghề truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, do đó cần được quan tâm hơn. Những năm qua, tỉnh đã có cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, định hướng phát triển nghề truyền thống, làng nghề gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)” giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên nhìn chung một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn, phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình; một số sản phẩm trở thành hàng hóa bán ra thị trường, như: dao, thổ cẩm, vải chàm, bạc trang sức... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân lúc nông nhàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Theo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng làng nghề nông thôn của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có trên 800 hộ làm nghề nông thôn, thu hút 1.816 lao động; thu nhập từ làng nghề chiếm 83% tổng thu nhập các hộ gia đình nông dân.