Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Bánh trôi – Món quà của mùa đông Cao Bằng

Bánh trôi (coóng phù) là loại bánh mà đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng thường làm vào dịp Đông chí (giữa đông). Hiện nay, bánh trôi là món ăn đường phố được yêu thích trong những ngày đông giá lạnh.
bánh trôi
Bánh trôi (coóng phù) Cao Bằng lọt “Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam” năm 2020-2021

Cao Bằng ngày gió mùa về, không hẹn mà gặp, các quán bán bánh trôi nổi tiếng trên đường Sông Hiến, Vườn Cam, chợ xanh,… đều đông khách, thơm nức mùi gừng quyện với đường phên. Các hàng bánh trôi ở khu vực thành phố Cao Bằng chỉ bắt đầu bán vào lúc chập tối cho đến nửa đêm. Đêm mùa đông miền núi rét buốt chỉ thưởng thức vài miếng quà vặt ngọt lịm, thơm lừng này thôi là đã thấy ấm lòng.

z2951469432908 866f5bd4e8952198d18fbc9584b97b4b
Những viên bánh màu sắc được nặn từ bột nếp

Bánh trôi của người Tày - Nùng Cao Bằng không khác bánh trôi, bánh chay của người miền xuôi là mấy. Cũng là gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải cho ráo hết nước rồi nhào bột cho dẻo, vo viên, thả nước sôi. Nhưng bánh trôi miền rẻo cao có nhân làm từ lạc rang giã nhỏ, trộn với đậu xanh đồ chín, nghiền nhuyễn với đường đỏ hoặc đường kính trắng. Còn nhân bánh trôi, bánh chay miền xuôi chỉ có một viên đường đỏ hoặc nhân đỗ xanh.

Bánh trôi món quà của mùa đông
Bánh trôi - món quà ấm áp của mùa đông 

Trên bếp lò tỏa ánh lửa hồng ấm áp, nồi nước đường sôi lăn tăn trên bếp lò tỏa mùi thơm ngào ngạt. Để có nồi nước đường thơm ngon, người ta phải chăm chút rất cẩn thận. Đường phên nấu với nước sôi, lọc kỹ rồi mới đun lại. Gừng tươi được nướng lên cho thơm rồi đập dập thả xuống nấu cùng nước đường. Chiếc mâm nhôm xếp đầy những viên bánh màu sắc. Người bán thả từng viên bánh vào nồi nước sôi. Khi những chiếc bánh chín nổi lập lờ trên mặt nước, họ vớt bánh vào bát, chan nước đường đang sôi lăn tăn trong nồi vào. Những chiếc bánh mượt mà trong bát nước đường nâu đỏ sóng sánh, thơm ngọt.

Viên bánh trôi tròn, mịn được vớt ra khỏi nồi sau khi chín
Viên bánh trôi tròn, mịn được vớt ra khỏi nồi sau khi chín

Hiện nay, bên cạnh bánh trôi màu trắng truyền thống, còn có bánh màu cam, màu cẩm. Để có bánh màu cam người ta nhào bột với gấc chín; còn để bánh có màu cẩm người ta ngâm gạo nếp với lá cẩm cho có màu rồi mới xay thành bột. Ngoài ra còn có màu tím của đậu biếc, màu xanh lá dứa... Rồi người ta còn rắc thêm ít lạc rang giã dập vào bát khi ăn. Một số hàng quán sẽ có thêm nước cốt dừa, dừa tươi nạo, dừa khô, dầu thơm... để phục vụ sở thích đa dạng của thực khách.

bánh trôi son
Màu sắc, hương vị là sự sáng tạo để cho bát bánh trôi thêm ngon, thêm ngọt và hấp dẫn.

Khách đón bát bánh, xuýt xoa, hít hà, thích thú. Đưa một thìa lên miệng, chậm rãi cảm nhận vị cay cay của gừng nơi đầu lưỡi. Vị thơm ngọt của nước đường; vị bùi của lạc, nhân bánh; vị dẻo quánh của bột nếp hòa quyện với nhau ngon lạ lùng, thật khó quên. Tuyệt vời nhất là khi ăn đến miếng cuối cùng, vị gừng vẫn đọng lại. Dường như cái nóng, cái ngọt, cái cay của nước đường gừng vẫn còn “dư âm” trong dạ dày, làm xua tan cái lạnh mùa đông.

Tác giả bài viết: An Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây