Bánh Coóc mò - món quà tuổi thơ vùng cao
- Thứ hai - 13/06/2022 12:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiếng Tày Coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Những chiếc bánh xinh xắn, lạ mắt nhưng lại ẩn sâu bên trong đó là tinh hoa văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Tày ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có người Tày ở Cao Bằng.
Cách làm bánh Coóc mò không khó, nguyên liệu chính để bánh là gạo nếp. Khi làm bánh, bà con lấy lá chuối cuộn thành hình phễu, cho gạo nếp đã ngâm và đãi sạch vào, gấp miệng phiễu lại rồi dùng dây lạt buộc chặt. Công đoạn buộc lạt thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Nếu buộc lạt lỏng quá thì khi nấu bánh sẽ bị vào nước, nhão, không ngon. Nếu buộc lạt chặt quá, hạt nếp sẽ không nở, bánh bị sần, không dẻo và không thơm.
Dưới những đôi tay thoăn thoắt của các chị, các mẹ, chẳng mấy chốc đã gói đầy rổ bánh. Bánh Coóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng hai giờ là bánh chín. Bánh Coóc mò có màu xanh nhạt của lá chuối, vị dẻo, thơm thanh khiết hương thơm của ruộng đồng vùng núi cao. Tuy bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp.
Để thưởng thức trọn vị bánh, thực khách có thể chấm thêm với mật ong. Vị ngọt thanh mát của mật ong quyện với vị ngậy mà không ngấy của gạo nếp dường như những miếng bánh mềm nhẹ tan trong khoang miệng. Chính những hương vị đó đã tạo nên cảm xúc không thể nào quên khi nhớ về miền rừng núi.
Theo truyền thống, trong ngày đầy tháng của trẻ, bất kể mùa nào, người Tày cũng làm bánh Coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn của ông bà, cha mẹ.
Bánh Coóc mò không to lắm, hình dáng bắt mắt nên trẻ em vùng cao rất thích. Với những đứa trẻ người dân tộc Tày, Coóc mò trở thành món quà quý giá, ngon lành của thời thơ ấu.
Thưởng thức vị bánh hòa cùng hương đồng gió nội sẽ khiến du khách cảm nhận được hương vị mộc mạc, gần gũi mà lại mang dấu ấn rất riêng của đồng bào dân tộc miền núi. Nghĩ đến thôi, chắc hẳn chúng ta đều muốn được thưởng thức món bánh tuyệt vời này.