Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Trùng Khánh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, danh thắng quốc gia như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể, định hướng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia, Trùng Khánh có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Huyện đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thác Bản Giốc - điểm đến lý tưởng của nhiều du khách.

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Trùng Khánh đã ban hành Chương trình số 06-CTr/HU ngày 16/5/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa thành kế hoạch để triển khai thực hiện; chủ động đề xuất một số danh mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm sớm đưa Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia, xứng tầm với tiềm năng vốn có của địa phương.
Trùng Khánh với vị trí là trung tâm của tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở miền biên viễn địa đầu Tổ quốc. Nâng cao chất lượng các điểm du lịch mới đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giá trị tự nhiên, bảo đảm mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, từng bước bổ sung vào các tour du lịch nhằm phục vụ, thu hút du khách đến với Trùng Khánh ngày càng nhiều hơn…

Do vẫn còn nhiều thách thức cho việc kết nối thị trường du lịch trong nước và quốc tế, xu hướng tăng trưởng chưa bền vững, thời gian lưu trú của khách còn ngắn, kết cấu hạ tầng khu vực trung tâm thác và khu vực lân cận chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương; đồng thời nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn để phát triển du lịch theo hướng quy mô, hiệu quả và bền vững, huyện xác định cần tập trung thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước đột phá theo từng giai đoạn cụ thể.

Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Trùng Khánh giai đoạn 2018 - 2021, tầm nhìn đến năm 2025”, ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án khai thác và phát huy tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa để thúc đẩy phát triển đột phá ngành du lịch. Đề án góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập xã hội của huyện; xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, các dự án trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch.
Mục tiêu phát triển du lịch của huyện đặt ra theo hướng quy mô, hiệu quả và bền vững, biến tiềm năng thành hiện thực, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý về lĩnh vực du lịch; có sự đầu tư, quản lý bài bản, đúng định hướng, trọng điểm với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng và phát triển du lịch theo những mục tiêu đề ra.

Trong đó, tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch với chất lượng cao, đặc biệt đẩy mạnh mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch đã được quy hoạch và được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Hình thành các điểm du lịch, rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời quy hoạch chi tiết các khu du lịch hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển, từ đó có cơ sở kêu gọi xã hội hóa trong hoạt động đầu tư phát triển du lịch.

Cùng với đó, huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở khu, điểm du lịch, như: Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào động Ngườm Ngao; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai giai đoạn 2 và hoàn thiện thiết kế các hạng mục như bể bơi, dịch vụ spa, điểm ngắm cảnh…
Huyện tiếp tục đề xuất đầu tư các dự án, công trình: Nhà sàn đá Khuổi Ky giai đoạn 2; Dự án cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số do Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) tài trợ; tổ chức trồng cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường tại Khu du lịch thác Bản Giốc; Công ty cổ phần Milton xây dựng Đề án đầu tư xây dựng Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc và đã được phê duyệt, đang thi công các hạng mục giai đoạn 1.

Lập phương án xây dựng đường tránh bãi nhũ đá (ruộng bậc thang); hội đàm hợp tác khai thác phát triển du lịch với huyện Đại Tân, Tịnh Tây (Trung Quốc); khai thông thí điểm khách du lịch qua mốc 834/1; tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc. Chú trọng thực hiện các đề án, đề tài phục dựng các làn điệu dân ca các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một; đồng thời góp phần làm tỏa sáng thêm tinh hoa của dân tộc thông qua việc bảo tồn các làn điệu và các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Co Sầu (Thị trấn), Lễ hội đền Hoàng Lục (xã Đình Phong), Lễ hội Cầu mùa (xã Cao Thăng, Trung Phúc), Lễ hội Long Vương (xã Thông Huề)...; nhân rộng mô hình, thành lập được Phân chi hội bảo tồn dân ca tại các xã, câu lạc bộ, đội văn nghệ các xóm đã có hoạt động văn hóa gắn với loại hình dịch vụ du lịch homestay, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc…
Với chủ trương đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm  khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, đa dạng hóa các loại hình khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, huyện đưa vào khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy, các điểm du lịch sinh thái hồ Bản Viết, thác Thoong Ma (xã Thông Huề), cánh đồng Phong Nặm, sông Bắc Vọng, du thuyền Kayak trên lưu vực sông Quây Sơn, các điểm du lịch tâm linh như đền Hoàng Lục, miếu Long Vương...; tổ chức các hội thi sáng tạo, tìm kiếm sản phẩm du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm mới, lạ, có tính thẩm mỹ cao phục vụ du khách làm quà lưu niệm. Năm 2018, lượng khách du lịch đến với Trùng Khánh đã có bước tăng trưởng đáng kể so với những năm trước với 323.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế 15.000 lượt), tăng 96.478 lượt so với cùng kỳ năm 2017, thu nộp ngân sách Nhà nước 5,4 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Thành Hải cho biết: Với việc huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, tin tưởng trong thời gian tới, du lịch Trùng Khánh sẽ có nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, thực sự khởi sắc, đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2020 thu hút trên 15.000 lượt khách quốc tế, trên 500.000 lượt khách nội địa; đến năm 2025 đón khoảng 1.200.000 lượt khách, trong đó có 80.000 khách quốc tế đến tham quan, doanh thu ước đạt 960 tỷ đồng, thu hút khoảng 3.000 lao động.

Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phát triển kinh tế, huyện đưa ra các giải pháp trọng tâm về cơ chế chính sách; tổ chức quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức du lịch, đẩy mạnh quảng bá và liên kết các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; tăng cường bảo tồn các di sản văn hóa, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện. Từ đó góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Trùng Khánh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn tin: Minh Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây