Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Hấp dẫn bánh trứng kiến

Đến Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5, du khách được thưởng thức bánh trứng kiến - món bánh đặc sản của người dân nơi đây. Bánh trứng kiến được làm ra từ bột gạo nếp, trứng kiến, cùng lá non của cây vả.

 

Trung kien
Bánh trứng kiến thơm ngon, hấp dẫn.

Bánh trứng kiến theo tiếng Tày gọi là “pẻng rày”. Thời điểm cuối xuân, đầu hè là dịp thích hợp để người dân vào rừng tìm trứng kiến, nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Người ta chỉ lấy trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên cây vầu, sau sau. Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo. Để lấy được trứng kiến cần có một số dụng cụ chuyên dùng, đồng thời phải thật khéo léo để tránh bị kiến tấn công cũng như trứng kiến không bị rơi rụng nhiều. Một tổ kiến to thường chỉ có khoảng một nửa bát con trứng. 
Trứng kiến sau khi rửa sạch, để ráo nước, xào với hành khô đã phi thơm, thêm một chút mắm, bột canh, xào đến khi dậy mùi thơm, béo ngậy là được. Nếu có trứng kiến nguyên chất, món bánh sẽ rất đậm vị. Tuy nhiên, trứng kiến hiện nay khan hiếm, giá khá đắt, khoảng 300 nghìn đồng/kg nên người ta thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác, như: thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân.
Nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, tiếng Tày gọi là “bâư nỏa”. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to.
Bột bánh làm từ gạo nếp, pha thêm một tỉ lệ nhất định bột gạo tẻ để bánh không quá dẻo hay bị nát. Gạo nếp ngâm qua đêm, rửa sạch, vớt ra để ráo nước, sau đó đem xay, ép cho bột chảy bớt nước. Đặt một lớp lá vả xuống mâm (mẹt) để làm vỏ bánh, trải một lớp bột nếp dát mỏng cỡ 0,5 cm rồi rắc hỗn hợp nhân trứng kiến lên trên mặt bột, cho tiếp lớp bột, lá vả lên phần nhân bánh, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh hấp cách thủy khoảng 30 - 45 phút là chín. Để miếng bánh đẹp, người ta thường cắt miếng bánh vuông vừa phải. Khi ăn không bỏ lớp lá vả bên ngoài, vì hương vị lá vả chính là một phần đặc trưng của món bánh trứng kiến truyền thống ở Cao Bằng.
Bà Liên, người có hơn chục năm kinh nghiệm làm bánh trứng kiến bán tại chợ Nước Hai (Hòa An) chia sẻ: Để làm bánh trứng kiến không quá khó, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh cần có sự khéo léo, tỉ mỉ, đặc biệt trong khâu chọn và làm sạch trứng kiến. Bánh trứng kiến ngon khi ăn miếng bánh phải dẻo, thơm mùi lá vả, béo ngậy của trứng kiến. 
Nếu có dịp lên Cao Bằng thời điểm này, du khách đừng quên thưởng thức món bánh trứng kiến cũng như một số món ăn được chế biến từ trứng kiến, như: xôi trứng kiến, nộm trứng kiến, cháo trứng kiến... Nét văn hóa ẩm thực độc đáo này sẽ cho du khách cảm nhận rõ hơn bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng.

 
Trúc Linh
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây