MỘT NGÀY KHÁM PHÁ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠI QUẢNG HÒA

Thứ hai - 11/09/2023 09:07
Trải nghiệm tại các làng nghề đang là xu hướng du lịch được nhiều du khách quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, Quảng Hòa là một huyện tập trung nhiều làng nghề truyền thống, địa điểm thích hợp giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị khi ghé thăm Cao Bằng.

Huyện Quảng Hòa nổi tiếng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất Cao Bằng, như: làng hương Phja Thắp, làng giấy bản Dìa Trên, làng nhuộm vải xóm Khào, làng rèn Pác Rằng, làng ngói Lũng Rì... Nơi đây không chỉ có các làng nghề đã được lưu truyền hàng trăm năm mà phong cảnh, bản sắc văn hóa chắc chắn sẽ khiến du khách cảm thấy vô cùng thích thú.

Điểm đầu tiên trong hành trình, du khách sẽ ghé làng hương Phja Thắp, nơi đây có nghề làm hương rất lâu đời. Ngay khi đến đầu làng, bạn sẽ gặp cảnh hương được phơi ở trước nhà và dọc theo những con đường nhỏ. Xa xa là những ngôi nhà sàn vách đất với mái ngói âm dương khép mình dưới chân núi. Tới đây, du khách có thể trải nghiệm mặc trang phục của người dân tộc Nùng An, sau đó sẽ cùng tìm hiểu về các công đoạn làm hương.

z4679664086616 7870f0b495003fa60eefb6e11da811ed
Du khách trải nghiệm làm hương tại làng hương Phja Thắp

Hương ở đây được làm từ các nguyên liệu tự nhiên và không sử dụng hóa chất. Chân hương được làm từ thân cây mai, bà con sử dụng cây bầu hắt để kết dính các  loại bột, gỗ thông mục được nghiền mịn để tạo màu cho hương. Tới Phja Thắp, bạn sẽ thấy ở dưới sàn nhà của bà con, nhà nào cũng có một ô nho nhỏ để nhúng hương vào nước keo rồi lăn tẩm với hỗn hợp mùn cưa và bột trầm, những người phụ nữ tay thoăn thoắt không ngừng đập cho các que hương được kết dính đều và tròn trịa. Phía trên sàn là những bó hương đã được nhuộm đỏ chân và bó vào gọn gàng để chuẩn bị mang ra chợ bán.

z4679664082701 30cb4cc9b6033ed413d0d0bb38fd2391
Bà con xóm Khào đang phơi vải chàm sau khi nhuộm

Điểm tiếp theo trong hành trình là xóm Khào. Tới đây, du khách sẽ hiểu rõ hơn về các công đoạn nhuộm chàm, dệt vải và cách để tạo ra một bộ trang phục truyền thống của người Nùng An. Để có được màu chàm như ý, bà con phải nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần. Đặc biệt, du khách còn được trực tiếp nhuộm chàm và dệt vải cùng bà con. Khác với những nơi khác chỉ mặc đồ truyền thống trong những dịp quan trọng, thì ở Quảng Hòa, bà con người Nùng An vẫn mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động thường ngày.

z4679664064127 42a12d10f9ffb835c82b6c0ef2cd7f5b
Nghề rèn tại xóm Pác Rằng

Đi thêm khoảng 1 km nữa là làng rèn Pác Rằng thuộc xã Phúc Sen. Vừa tới đầu làng, du khách đã nghe thấy tiếng búa rền vang khắp làng, nhà nhà đỏ lửa để tạo ra những vật dụng như: dao, cuốc, xẻng... Nghề rèn ở đây đã tồn tại hàng nghìn năm và được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối. Phải những người thợ lành nghề, có tuổi nghề ít nhất 6 năm thì mới có thể tạo ra những sản phẩm có độ chính xác cao. Dao Phúc Sen được làm từ nhíp ô tô, kết hợp với tay nghề khéo léo của người thợ rèn tạo ra những sản phẩm có độ sắc và độ bền cao.

z4679664072292 0cb572967cb7cefbf6dbb8e90ef468f6
Nghề làm giấy bản tại xóm Dìa Trên (xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa)

Địa điểm cuối cùng trong hành trình là xóm Dìa Trên thuộc xã Quốc Dân, nơi đây nổi tiếng với nghề làm giấy bản. Làng nằm trải dài theo chân núi, trước mắt là cánh đồng lúa xanh ngát. Một khung cảnh vô cùng bình yên và thơ mộng. Giấy bản ở đây làm ra từ vỏ của cây mạy sla (cây dưỡng), thường mọc tự nhiên trên đồi cao. Sau đó phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới có thể tạo ra một tờ giấy bản hoàn chỉnh. Đặc biệt ở đây nghề làm giấy thường do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Không chỉ nghe bà con thuyết minh về cách làm giấy, mà du khách còn được tự tay tham gia vào các công đoạn như: đập vỏ cây, tạo khuôn và phơi giấy.

Bạn Lưu Thu Lệ, một du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Mình đã đi du lịch rất nhiều nơi, tuy nhiên du lịch làng nghề và tìm hiểu văn hóa địa phương mang lại cho mình những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, thay vì chỉ đi ngắm cảnh và check in để đăng trên mạng xã hội như mọi khi. Sau chuyến đi này, mình sẽ còn tiếp tục quay lại để trải nghiệm những bản làng khác tại Cao Bằng”.

z4679664083658 f771836d364049e24c7d4019bd3df6cb
Khách du lịch tham gia trải nghiệm dệt vải

Chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về các công đoạn tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống, bà con có thêm thu nhập, đồng thời, góp phần quảng bá và đưa các sản phẩm đi xa hơn. Có như vậy thì các làng nghề mới không bị mai một và khách du lịch cũng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi tới Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Bùi Hoài

 Từ khóa: du lich cao bang, lang nghe

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây