Đến Khuổi Ky trải nghiệm huyền thoại làng đá cổ

Thứ hai - 08/07/2019 16:56
Nếu những dãy núi đá tạo nên diện mạo cảnh quan thiên nhiên đẹp kỳ vĩ của Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu Non nước Cao Bằng thì từng viên đá hiện diện làm nên công trình nhà sàn đá, cổng đá, tường rào đá... hình thành không gian kiến trúc cổ độc đáo đại diện cho dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... Cao Bằng. Để trải nghiệm làng đá cổ trên tuyến phía Đông - “Xứ sở thần tiên”, mời bạn đến làng Khuổi Ky trên đường vào động Ngườm Ngao - thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).
Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).
Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Đối với nghiên cứu khoa học, núi đá là giá trị cốt lõi tạo nên di sản địa chất của CVĐC, đồng thời cũng là giá trị văn hóa cổ xưa nhất gắn với đời sống con người từ buổi sơ khai lịch sử đến xã hội hiện đại. Bước chân đến làng đá cổ Khuổi Ky sẽ đưa bạn trở về dòng chảy nghìn năm cổ xưa bởi sẽ được trải nghiệm đi trên đường xếp đá, ngắm nhìn tường rào đá, ở trong nhà sàn đá tựa lưng vào chân núi, ngắm cảnh dòng suối trong xanh chảy hiền hòa...
Kiến trúc “làng đá” trong đời sống bà con nơi đây được các bậc cao niên trong bản kể: Trong truyền thuyết dân gian từ xa xưa, đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô... đã tụng truyền và thực hiện nghi lễ thờ thần đá, bởi quan niệm đá là trung tâm của vũ trụ, cho con người sự sống, là vị thần che chở con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mỗi dân tộc làm lễ thờ thần đá, thần rừng tuy khác nhau nhưng đều có chung ngưỡng vọng nhân văn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng. 
Quan niệm thần đá bảo vệ con người, nên đến Khuổi Ky bạn đến với không gian đá mộc thô được xếp dàn trải trong mọi không gian của bản. Ngay từ đầu cổng dẫn vào bản, bạn đã thấy tường rào đá mộc hàng nghìn viên chồng xếp lên nhau chạy dài từ cổng bản đến từng nhà. Đá xếp thành mặt phẳng làm đường đi lại sạch sẽ; đá xếp lên làm kè bờ ruộng, hàng rào đá bao quanh vườn... như một thành lũy vững chắc bảo vệ dân bản, mùa màng... Khó lý giải nhất là tường rào đá chỉ xếp bằng tay, không dùng vật liệu kết dính nhưng vẫn vững chãi qua nắng mưa, gió lớn. 
Nơi dựng nhà sàn đá lấy chân núi làm điểm tựa, hướng cửa nhìn ra cảnh quan khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. 14 ngôi nhà sàn đá làng Khuổi Ky đều tựa lưng vào chân núi, trước cửa là con suối trong hiền hòa chảy qua những thửa ruộng xanh mướt. Mỗi ngôi nhà sàn đá nơi đây là hiện hữu của mỗi một câu chuyện cổ tích về nghệ thuật kiến trúc độc đáo, công phu về nhà sàn cổ được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Các bậc cao niên trong bản cho biết: Xưa chưa có vật liệu xây dựng, để xây được ngôi nhà sàn đá phải tích lũy công phu nhiều năm tìm đá viên và dành đường, mật ong để làm vật liệu kết dính đá xây nhà. Những viên đá cứng, đẹp được chọn về làm nguyên liệu xây nhà được cho là quan trọng nhất. Bởi đồng bào quan niệm những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên có nguồn năng lượng và linh khí rất cao. 
Khi làm nhà sàn đá phải tính toán khoa học, tỉ mỉ cân bằng với số lượng thành viên trong gia đình. Mỗi tường đá được xây phải chọn hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau rồi trộn đá vôi và cát làm chất keo kết dính. Mái nhà lợp bằng ngói âm - dương. Nhà sàn thường 2 tầng, tầng dưới để vật dụng gia đình, tầng trên thường chia ra làm ba không gian chính. Nơi giữa nhà là gian phòng khách, bàn thờ; bên phải, ngăn thành các phòng ngủ; bên trái là bếp ăn, để các vật dụng sinh hoạt khung cửi, thóc, gạo... Điều rất thú vị bạn đến nhà sàn đá nơi đây đều đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông. 
Không chỉ trải nghiệm không gian kiến trúc độc đáo “làng đá” cổ, bạn sẽ được thưởng thức ẩm thực độc đáo từ sản vật núi đá nơi đây và bàn tay tài hoa của bà con chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn: Thạch trắng mác púp, bánh khảo, bánh giày, “pẻng phạ”, xôi ngũ sắc...; nghe hát Then - đàn tính ngọt ngào làm say đắm lòng người. 
Trải nghiệm cuộc sống không gian “làng đá” cổ Khuổi Ky, bạn sẽ cảm nhận được chất văn hóa núi đá của đồng bào nơi đây. Đồng bào sống trên núi đá nhưng tâm hồn mềm mại, đậm chất lãng mạn qua lời hát Then, Sli, Lượn đằm thắm, ngân nga, da diết; ẩm thực với nhiều món ăn, mỗi món là một đặc trưng  mà chỉ sản vật của núi đá mới  ngon như vậy. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên những màu sắc văn hóa núi đá độc đáo riêng của CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây