Hấp dẫn Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao

Thứ ba - 23/04/2019 20:18
Thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao là một quần thể danh lam thắng cảnh hấp dẫn với phong cảnh đẹp, hang động kỳ thú và nét sinh hoạt của cư dân địa phương mang đậm bản sắc dân tộc.
Vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo của thác Bản Giốc.
Vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo của thác Bản Giốc.
Cách thành phố Cao  Bằng gần 90 km theo hướng Đông Bắc, theo quốc lộ 3, tỉnh lộ 206, du khách sẽ đến Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia và được quy hoạch trở thành Khu du lịch Quốc gia. 
Thác Bản Giốc nằm sát đường biên giới Việt - Trung, nơi dòng sông Quây Sơn hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng, bản làng đổ nước tạo thành thác. Thác có độ cao 53 m,  rộng 300 m, chia thành 3 tầng với nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Từ xa, du khách đã nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm vang động cả một vùng rộng lớn. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi, tạo thành những màn bụi nước trắng xóa, hơi nước bay mờ ảo như cảnh thần tiên. Sau những cơn mưa mùa hè, ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua làn hơi nước tạo thành dải cầu vồng lung linh huyền ảo làm say đắm lòng người. Thác Bản Giốc được đánh giá là thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, là một trong những thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới.
Với diện lộ đá vôi hơn 1.800 km2 trải rộng trên địa bàn 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa và một số khu vực khác, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng xứng đáng là xứ sở của nhiều hang lớn, dài, nhũ thạch đẹp, trong đó có động Ngườm Ngao. Ngườm Ngao theo tiếng Tày có nghĩa là động Hổ. Động được phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996. Động Ngườm Ngao cách thác Bản Giốc 3 km, với chiều dài trên 2.000 m. Động có vẻ đẹp rất đặc biệt được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ óng ánh, muôn hình làm cho du khách thỏa trí liên tưởng về những cây san hô, cây vàng, cây bạc, đài sen ngược, ao  tiên... tất cả do thiên niên tạo nên một không gian huyền ảo. 
Đến thăm Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, du khách không chỉ tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khám phá, tìm hiểu những nét sinh hoạt, phong tục tập quán của người Tày, Nùng, các làng nghề truyền thống và tìm hiểu chợ biên giới ở mốc 835. Chợ họp ngay cạnh mốc biên giới và vẫn thường gọi là chợ mốc 53, sau phân giới cắm lại cột mốc mới là mốc 835. Trong chợ có 53 sạp hàng của các tiểu thương Việt Nam, đối diện là chợ của tiểu thương Trung Quốc. Hàng hóa trong chợ khá phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa của 2 nước. 
Tham quan, vãn cảnh chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc trong Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao là một trải nghiệm độc đáo. Chùa được xây dựng trên ngọn núi Phja Nhằm, hướng chính nhìn ra toàn cảnh thác Bản Giốc. Chùa được thiết kế mang dáng dấp kiến trúc chùa Việt truyền thống gồm các hạng mục: Tam quan, lầu chuông, nhà tổ, tam bảo, lầu tượng Quan thế âm Bồ Tát, đền thờ Nùng Trí Cao - người có công lớn trong việc giữ gìn bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Đến chùa thắp hương cầu tài, cầu lộc, cầu bình an..., du khách có thể nhìn toàn cảnh thác Bản Giốc để thấy được hết vẻ đẹp hùng vĩ của thác với những cánh đồng lúa chín vào mùa vàng rực rỡ, màu xanh của núi non mây trời...
Đặc biệt du khách đến du lịch vào dịp Lễ hội du lịch thác Bản Giốc sẽ có những trải nghiệm độc đáo. Phần lễ được tổ chức tại Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc với các nghi thức như: Rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên chùa, lễ cầu quốc thái dân an, bày tỏ lòng thành kính, tri ân những bậc tiền nhân khai quốc, các anh hùng liệt sĩ…
Phần hội là chương trình văn nghệ và khai mạc lễ hội với các hoạt động múa rồng, múa lân, các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, trưng bày sản phẩm du lịch địa phương, giới thiệu ẩm thực đặc sản của địa phương, triển lãm ảnh giới thiệu địa danh, phong cảnh còn nguyên sơ mới được phát hiện… để du khách tìm hiểu, khám phá. Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức đồng thời với liên hoan hát then, đàn tính toàn tỉnh nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng.

Nguồn tin: Lệ Hằng - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây