Đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Thứ tư - 20/03/2019 15:45
Cao Bằng có nhiều tiềm năng du lịch do có điều kiện tự nhiên, bề dày lịch sử văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Phát huy lợi thế địa phương, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành (Phục Hòa) được công nhận là Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành (Phục Hòa) được công nhận là Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Chương trình phát triển du lịch tỉnh, tập trung vào một số sản phẩm chính như: Du lịch thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia; văn hóa - tâm linh; sinh thái, cộng đồng, làng nghề, ẩm thực; du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị... Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển khu, tuyến, điểm du lịch có tính liên kết vùng.
Đến nay, hạ tầng cơ sở những điểm thắng cảnh, di tích nổi tiếng và khu nghỉ dưỡng được xây dựng nhằm thu hút khách. Các cụm du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ khách... Đồng thời quan tâm đầu tư tu bổ, xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa như: nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch biên giới giữa tỉnh Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Đối với sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, Cao Bằng tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án tôn tạo và khai thác các giá trị phục vụ du lịch tại một số khu, điểm như: Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Núi “Cổng trời” trên eo núi Phja Đảy, làng Giộc Đâư, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) kết hợp với du lịch sinh thái hồ Thang Hen thành khu du lịch thắng cảnh - tâm linh. Xây dựng Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc (Trùng Khánh) và Chùa Trúc Lâm Tà Lùng (Phục Hòa) trở thành “cột mốc tâm linh” nơi biên cương của Tổ quốc... Các đền, chùa cổ được quan tâm trùng tu xây dựng, phục dựng lại lễ hội thu hút du khách gần xa đến vãn cảnh và tri ân các bậc tiền nhân.
Cùng với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh, Cao Bằng còn có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc, được tỉnh xác định là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, như: Các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực…  Gắn kết các loại hình văn hóa dân gian độc đáo với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng là một trong những sản phẩm chiến lược của Cao Bằng kết hợp với các tour du lịch lễ hội, du lịch khám phá, du lịch về nguồn... để bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng Cao Bằng, không gây nhàm chán. 
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc, lễ hội truyền thống như: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn hát Then, đàn tính; thành lập Hội bảo tồn dân ca các dân tộc; bảo tồn dân ca, dân vũ của người Dao Đỏ...; bảo tồn Lễ hội chùa Sùng Phúc (Hạ Lang), Lễ hội Nàng Hai (Phục Hòa), Lễ hội Pháo hoa (Quảng Uyên), Lễ hội thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Lễ hội chọi bò Bảo Lâm, Lễ hội chợ tình (Bảo Lạc)... 
Hiện nay, một số dự án du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai, bước đầu thu hút khách, như: Du lịch cộng đồng trên 3 tuyến của Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, như: Pác Rằng (Quảng Uyên), Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)... Xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, làng du lịch cộng đồng phục vụ du khách...
Đặc biệt, CVÐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là "cú huých" quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh. Danh hiệu CVÐC toàn cầu cùng với bản sắc văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh Cao Bằng đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước. Với hơn 130 điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, phong cảnh độc đáo và có giá trị quốc tế trong phạm vi 9 huyện, có 3 tuyến du lịch hấp dẫn: Tuyến du lịch cụm phía Tây "Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay"; tuyến du lịch cụm phía Bắc "Hành trình về nguồn cội"; tuyến du lịch cụm phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên". 
Việc xây dựng sản phẩm du lịch đang được các huyện có lợi thế phát triển du lịch nằm trong CVÐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng quan tâm thực hiện. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La cho biết: Thực hiện Chương trình phát triển du lịch của Huyện ủy, năm 2017 - 2018, Phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các sản phẩm du lịch: Xây dựng thương hiệu ẩm thực Trùng Khánh thông qua Tổ chức “Gian hàng ẩm thực”, thi “Mâm cơm đãi khách” tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc lần thứ I, II đã thu hút người dân địa phương chế biến ẩm thực đặc sản độc đáo, được du khách mua và đặt hàng dài hạn, như: lúa Nếp Ong, lúa nếp Pì Pất, hạt dẻ, vịt cỏ...; đan lát tre mây thủ công mẫu mã đẹp, tinh xảo với hơn 10 sản phẩm được nhiều du khách ưa chuộng. Hiện nay, huyện tiếp tục xây dựng du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa độc đáo tại 2 xã Đàm Thủy, Ngọc Khê, vườn dẻ xã Đình Minh, Phong Châu...
Việc đa dạng sản phẩm du lịch Cao Bằng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm xây dựng và bước đầu có kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác tối đa. Tỉnh có nhiều sản phẩm, đặc sản chất lượng tốt nhưng chưa có khu chợ đêm và phố, khu chợ ẩm thực để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng, do đó mức chi tiêu của du khách còn thấp, thời gian lưu trú chưa lâu.  
Việc xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch đến được với đông đảo du khách, tạo nên diện mạo mới cho du lịch Cao Bằng, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, vùng, doanh nghiệp trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh để tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc thương hiệu Cao Bằng. 
Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết các tỉnh, thành để nối tuyến thu hút du khách; hợp tác xúc tiến, quảng bá giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố trong nước. Kết nối các khu, điểm du lịch, dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí trong cả nước để triển khai đưa vào hoạt động có hiệu quả các sản phẩm, tuyến du lịch đã được công nhận. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, liên kết trong và ngoài tỉnh trong hoạt động xúc tiến thị trường quốc tế… Việc thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, với dịch vụ chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với một tỉnh giàu tiềm năng như Cao Bằng để thúc đẩy  kinh tế phát triển.

Nguồn tin: Trường Hà - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây