Du lịch cộng đồng - Hướng đi mới trong cải thiện sinh kế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba - 07/04/2020 08:18
Cùng trải nghiệm hoạt động lao động sản xuất, tìm hiểu nghề truyền thống và những nét văn hóa truyền thống bản địa chính là một trong những điều thú vị mà du khánh lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng khi đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Thời gian qua, du lịch cộng đồng đã trở thành hướng đi mới trong cải thiện sinh kế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa, mà còn giúp người dân thoát nghèo bền vững.
hómestay
Dịch vụ homestay đem lại thu nhập cho người dân làng Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thuỷ (Trùng Khánh).
 

Cách khu du lịch thác Bản Giốc 1 km, Khuổi Ky là một bản vùng cao biên giới với những những ngôi nhà sàn bằng đá cổ kính thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đã từ lâu, đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt thuần chất bản địa, người dân thân thiện, giàu lòng mến khách. Năm 2008, làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”. Khuổi Ky hiện có 7 gia đình cung cấp dịch vụ homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân bản địa). Các homestay này có đủ các điều kiện vật chất thiết yếu để phục vụ như: buồng ngủ, nhà vệ sinh khép kín, bình nóng lạnh. Người dân Khuổi Ky còn sử dụng nhà đá cộng đồng để đón khách, với sức chứa lên đến 100 khách. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động hằng ngày cùng người dân trong làng, như cùng tham gia lao động sản xuất, tìm hiểu nét văn hóa bản địa, giao lưu biểu diễn văn nghệ và tham gia trò chơi dân gian. Các mô hình này thu hút được lượng khách đáng kể đến thăm, trong đó lượng du khách trong nước chiếm đến 60%, còn lại là khách quốc tế. Trong vài năm trở lại đây, Khuổi Ky đã được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) hỗ trợ Dự án Cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng. Các hộ dân được dự án cấp kinh phí mua sắm vật dụng phục vụ lưu trú; được tập huấn kiến thức về lễ tân, nấu ăn và giao tiếp cơ bản, giúp cho người dân có kỹ năng cần thiết phục vụ du lịch. Dịch vụ du lịch cộng đồng thu hút được sự tham gia tích cực của một số hộ dân, qua đó nâng cao thu nhập cho các gia đình. Có hộ thu nhập cao nhất lên đến 30 triệu đồng/tháng. Từ những người nông dân chất phác quanh năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, giờ đây, đồng bào đã biết phát huy những lợi thế của mình để làm du lịch, chủ động kết nối với các công ty lữ hành, đăng tải thông tin về dịch vụ homestay trên internet để du khách dễ dàng lựa chọn dịch vụ.

làm hương
Trực tiếp tham gia các công đoạn làm hương là một trải nghiệm đối với du khách khi đến tham quan làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).

Trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, du khách có cơ hội khám phá, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống. Làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên sẽ là một trong những lựa chọn trải nghiệm đáng nhớ. Nghề làm hương truyền thống của người Nùng An có từ rất lâu. Hương Phja Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi như cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) để làm que; vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Du khách đến đây có thể trực tiếp cùng người dân bản địa thực hiện các công đoạn để cho ra những nén hương thơm đặc trưng.

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương như phong cảnh, văn hóa, ẩm thực. Những năm gần đây, một số hộ dân đã làm dịch vụ lưu trú tại nhà cho khách du khách tham quan. Từ những công việc thường ngày như thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá của người dân đã xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến các điểm lưu trú tại nhà dân được đón tiếp nồng hậu, được hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống người dân ở từng vùng miền. Đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã, đang được đầu tư và hoạt động như: Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Uyên) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc) - miền văn hóa Lô Lô đặc sắc và nhiều huyền bí; làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh) với vẻ đẹp nên thơ, cổ kính… Ngoài ra, tại một số địa phương của tỉnh đang kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm du lịch cộng đồng mới như bản Pác Búng, xã Độc Lập; Phja Thắp, xã Quốc Dân (huyện Quảng Uyên)…

Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch tỉnh ta, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là phát triển du lịch du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản; sản phẩm du lịch cộng đồng chưa đa dạng về chủng loại; chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao để tăng doanh thu du lịch; cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; một vài địa phương quá chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế nên tổ chức còn manh mún, chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững hoạt động này; vấn đề giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống… đang là những thách thức trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Tuy nhiên, với những định hướng, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng mà tỉnh đã xác định trong thời gian tới sẽ góp phần thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển một cách hiệu quả hơn. Điều này không chỉ góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống mà còn tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho du khách có thêm nhiều lựa chọn du lịch khi đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Nguồn tin: caobangtv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây