Di tích chiến thắng chiến dịch biên giới 1950

Thứ năm - 19/04/2018 14:04
Nhà tưởng niệm được thiết kế với kiến trúc nhà sàn hiện đại, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan tới hoạt động của Bác trong Chiến dịch. Cụm tượng đài Bác Hồ ngồi quan sát trận đánh Đông khê trên núi Báo Đông...
Di tích chiến thắng chiến dịch biên giới 1950
Di tích chiến thắng chiến dịch biên giới 1950

        Nhà tưởng niệm được thiết kế với kiến trúc nhà sàn hiện đại, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan tới hoạt động của Bác trong Chiến dịch. Cụm tượng đài Bác Hồ ngồi quan sát trận đánh Đông khê trên núi Báo Đông với hình ảnh mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sỹ Vũ Năng An chụp, làm bằng vật liệu compozit giả đồng, cao 2,8 m, nặng 418 kg, cột bê tông cốt thép, toàn bộ bức tượng đặt trên bệ đá ốp gạch lát hoa. Tại đây, du khách được ngắm nhìn tư thế ung dung, lạc quan của vị Chủ tịch nước có một không hai trên thế giới trực tiếp ra mặt trận chỉ huy trận đánh. Đó là trận đánh đồn Đông Khê trên đường số 4 Cao Bằng - Lạng Sơn ngày 16/9/1950 đã giành thắng lợi vẻ vang, mở màn cho chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

         Trước đó, tháng 6/1950, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950. Để lãnh đạo, điều hành làm công tác chuẩn bị và chỉ huy Chiến dịch, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch.

          Ngày 9/9/1950, Người ra “Lời kêu gọi đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng”: "... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho Chiến dịch được thắng lợi". Lời kêu gọi của Bác càng làm nức lòng đồng bào các dân tộc Cao Bằng rời nhà lên đường đi Chiến dịch. Đồng bào vùng cao của Cao Bằng chưa từng xa nhà cũng tình nguyện xuống núi đi bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược bằng đôi vai, bằng ngựa thồ. Hàng vạn dân công hoả tuyến bám sát trận địa phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng giặc.

         Chiều 11/9/1950, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch, Người chủ trì Hội nghị phổ biến kế hoạch Chiến dịch cho cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là chuẩn bị xong. Quân sự thì phải chuẩn bị mãi. Thắng xong trận này cũng mới chỉ là chuẩn bị xong một đợt. Khi nào toàn thắng mới là chuẩn bị xong”.

           Với tác phong theo sát bước chân chiến sĩ, ngày 13/9/1950, Bác rời Sở Chỉ huy Chiến dịch đến Sở Chỉ huy tiền phương ở Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An. Sáng sớm 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, dân công ra sức thi đua "giết giặc lập công", đưa Chiến dịch đến toàn thắng.

         Để lên Đài quan sát trên núi Báo Đông, chúng ta đi qua 846 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Trên đường lên Đài quan sát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bia ghi dấu nơi ở và làm việc của Ban Quân báo, vị trí Sở chỉ huy Chiến dịch, vị trí Tổng đài thông tin chiến dịch…

          Tại Đài quan sát, du khách chứng kiến tấm bia khắc bài thơ "Lên núi" của Bác. Nơi đây, năm xưa trên đường lên Đài quan sát, Bác cảm hứng và để lại cho đời bài thơ nổi tiếng về khí thế và niềm tin tất thắng của dân tộc:

“Chống gậy lên non xem trận địa,

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.

Khu di tích được khánh thành ngày 19/5/2004, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về vị lãnh tụ thiên tài, vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây