Để du lịch cộng đồng non nước Cao Bằng “cất cánh”

Thứ ba - 09/04/2019 21:07
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại làng nghề hương Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại làng nghề hương Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).

Kỳ 2:  Khi người dân làm du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là phương thức phát triển du lịch với sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư. Do đó, tại các điểm DLCĐ, những người nông dân hằng ngày “chân lấm tay bùn” chính là chủ thể của hoạt động du lịch. Nhưng loại hình DLCĐ mới du nhập và còn nhiều mới lạ nên người dân còn lúng túng với nhiều khó khăn và thách thức đặt ra.

HIỆU QUẢ TỪ LÀM DLCĐ...
Gia đình chị Chi Thị Duyên, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) là một trong những hộ làm dịch vụ homestay (khách du lịch lưu trú tại nhà dân, địa phương) đầu tiên trong xóm. Chị Chi Thị Duyên chia sẻ: Khi làm dịch vụ homestay, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp khó khăn. Tuy nhiên sau khi được đi tập huấn và qua những lần thực tế đón tiếp các du khách, chúng tôi đã rút kinh nghiệm để có thể phục vụ du khách một cách chu đáo nhất. Hiện nay, tại đây du khách thoái mái đi lại, ăn uống, nghỉ và trải nghiệm cuộc sống khi tham gia vào các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của chúng tôi. Làm DLCĐ, gia đình không cần bỏ kinh phí đầu tư nhiều mà dựa vào chính hoạt động hằng ngày nên cuộc sống không có nhiều thay đổi lại thêm thu nhập. 
Năm 2015, trong dịp tình cờ có người của Công ty TNHH Miền Á Đông đi khảo sát qua nhà ông Nông Văn Tướng, xóm Pác Búng, xã Độc Lập (Quảng Uyên), thấy ngôi nhà sàn đá truyền thống của gia đình nên vào hỏi thăm và đặt vấn đề làm dịch vụ homestay tại đây để du khách dừng chân trước khi tiếp tục hành trình khám phá các địa phương. Dịch vụ homestay của ông ngoài trải nghiệm, khám phá ngay tại địa phương còn mở thêm tour du lịch tracking (đi bộ) hoặc đi xe máy 2 đêm 3 ngày qua đường mòn hơn 40 km từ Pác Búng, xã Độc Lập qua xã Bình Lăng (Quảng Uyên) đến xã Chí Viễn và xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, năm 2018 ông liên kết với 2 gia đình tại xã Bình Lăng và xã Đàm Thủy đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà sàn truyền thống làm chỗ nghỉ chân cho khách khi đi qua các điểm khám phá. Đến nay, gia đình đã đón tiếp trên 50 đoàn khách, trung bình 10 - 16 người/đoàn, trong đó, 90% khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. 
Gia đình bà Nông Thị Thược, Nghệ nhân Ưu tú dệt thổ cẩm tại xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc (Hà Quảng) được chọn làm đối tác trong tuyến du lịch trải nghiệm “Hành trình về nguồn” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Hằng ngày bà vẫn duy trì công việc dệt thổ cẩm nhưng khi có tour du khách đến tham quan, bà sẽ hướng dẫn, giới thiệu về thổ cẩm cho du khách, đồng thời có thể bán các sản phẩm khi du khách có nhu cầu. Vì vậy, việc tham gia làm DLCĐ này vừa giúp bà có thêm thu nhập, vừa được góp phần để duy trì nghề dệt truyền thống.
Trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm người dân hiện nay đang tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, họ có thu nhập, nhận được lợi ích từ dịch vụ du lịch và từ đó họ sẽ đóng góp ngược lại để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản cũng như bảo vệ thiên nhiên. Vì vậy, khác với các loại hình du lịch khác, trong DLCĐ người dân chính là chủ thể của hoạt động. Họ là những nông dân hằng ngày vẫn duy trì các công việc như bình thường nhưng khi có du khách đến tham quan thì họ sẽ tham gia làm các dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngủ nghỉ. Những sinh hoạt, công việc thường ngày như: thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá… đều được người nông dân đưa vào trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách được đón tiếp nồng hậu, được chính những người dân bản địa hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống người dân ở từng vùng miền. 
Sau khi trải nghiệm ở làng nghề làm hương truyền thống Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên), anh Jonathan đến từ Cộng hòa Pháp cho biết: Tôi rất bất ngờ. Tôi không nghĩ rằng khi đến Cao Bằng lại có cơ hội trải nghiệm những điều tuyệt vời thế này. Người dân ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Họ đón tiếp và trò chuyện với tôi như những người bạn thực sự, điều đó khiến tôi cảm thấy mình là một vị khách rất đặc biệt. Hơn nữa, được tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào, được bà con hướng dẫn làm hương truyền thống khiến tôi rất thú vị.
NHƯNG THIẾU TÍNH BỀN VỮNG
Có thể nói, tại các vùng nông thôn, mô hình DLCĐ ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững. DLCĐ không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua số lượng khách đến với các điểm DLCĐ Cao Bằng còn khá khiêm tốn nên chưa đem lại giá trị kinh tế đáng kể. 
Có rất nhiều nguyên nhân hoạt động DLCĐ còn tồn tại hạn chế, như: Một số phong tục tập quán lâu đời của đồng bào các dân tộc đã bị mai một làm mất đi nét bản sắc tạo nên ấn tượng riêng cho du khách; cơ sở hạ tầng du lịch tại nhiều làng bản chưa được đầu tư bài bản, đặc biệt, vấn đề vệ sinh ở nhiều hộ tham gia mô hình DLCĐ còn nhiều hạn chế; người dân chưa tiếp cận được các hình thức quảng bá du lịch (như trên các trang thông tin, chỉ trông chờ vào sự giới thiệu của một vài đầu mối công ty du lịch quen thuộc); một bộ phận người dân vẫn xem mình là những người ngoài cuộc, chịu sự chi phối hoàn toàn của các công ty lữ hành và các đơn vị tổ chức sự kiện nên thụ động và thờ ơ với chính dịch vụ du lịch tại làng của mình…Vì thế, nhiều điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh hiện vẫn rất khó thu hút và giữ chân du khách.
Tham quan, tìm hiểu điểm DLCĐ Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) - nơi 100% hộ là dân tộc Dao Tiền sinh sống, mới thấy việc phát triển, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách là việc vô cùng khó và cần có thời gian rất dài. Mặc dù đã có chủ trương từ nhiều năm trước, có sự lựa chọn và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập huấn cho người dân làm dịch vụ homestay… nhưng để phát triển làng DLCĐ của xóm vẫn khó khăn. Ngoài hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của du khách thì vấn đề bản sắc văn hóa của cộng đồng đang mai một nên hầu như không có nghệ nhân dân gian để giới thiệu về những làn điệu Páo dung, Coóng dung hay kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của dân tộc. Trong đó, điều quan trọng nhất để DLCĐ phát triển thì phải giữ nguyên văn hoá bản địa, đó cũng là mong muốn của du khách khi tham gia loại hình DLCĐ.
DLCĐ không đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng cần được quan tâm và biến nó trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Nhưng trước hết, người dân phải hiểu rõ, hiểu đúng về DLCĐ. DLCĐ không phải bỏ tiền ra làm nhà sàn, đưa đội văn nghệ đến hát múa, nấu các món ăn truyền thống… thì gọi là DLCĐ, mà là từng thành viên trong cộng đồng có thể tham gia một hoạt động nào đó để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Theo đó, người dân cần được đào tạo, hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ để đón khách; đưa ra khả năng cung cấp dịch vụ gì của gia đình; định hướng cho người nông dân cách thức, phương pháp làm du lịch thông qua việc đào tạo, tập huấn để tạo thành ý thức; tuyên truyền để thay đổi nhận thức của bà con về giá trị của bản thân, niềm tự hào dân tộc, thể hiện qua cách bà con đón tiếp khách du lịch, đồng thời, có cơ hội hiểu hơn về những giá trị đặc sắc truyền thống của chính cộng đồng, địa phương nơi mình sinh sống. 
Để khai thác hiệu quả tiềm năng DLCĐ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tăng cường ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp, góp sức xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng ngày càng phát triển.
      
 Kỳ 3:  Những “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay

Nguồn tin: Thúy Hằng - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây