Bình minh trên đỉnh Phja Oắc

Thứ hai - 23/07/2018 08:18
“Nguyên Bình ai đã đặt tên/Bước ra gặp dốc, nhìn lên thấy rừng”... Những lời thơ mộc mạc dệt nên khung cảnh vùng cao Nguyên Bình hùng vĩ, hoang sơ như mời gọi, giục giã du khách yêu thiên nhiên, ưa trải nghiệm về với miền quê dưới chân Phja Oắc.

 

Phja Den
Du khách thăm Khu du lịch sinh thái Kolia.

Thiên nhiên ban tặng cho Nguyên Bình Phja Oắc có độ cao 1.931 m so với mực nước biển, là “nóc nhà” thứ 2 của Cao Bằng vì chỉ kém Phja Dạ của Bảo Lạc vài chục mét. Quần tụ xung quanh chân núi là cư dân các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, đã hình thành nên một quần thể văn hóa vùng cao giàu bản sắc. Ẩn dưới màn sương mù bao phủ quanh năm, dưới bồng bềnh mây trôi là thảm thực vật đa dạng, phong phú, góp phần cung cấp nguồn lâm, thổ sản nuôi sống bao thế hệ. 
Nhớ lại những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, rừng Phja Oắc được khai thác ồ ạt với cả trăm loài gỗ quý chuyển về xuôi. Phja Oắc bị “đánh thức” một thời gian dài bởi “bài ca người thợ rừng” và một phần lớn thảm thực vật nguyên sinh bị phá vỡ. Những năm đầu thế kỷ 21, Phja Oắc một lần nữa bị con người tận thu nguồn khoáng sản, tài nguyên rừng một cách không thương tiếc, từ quặng thiếc, wonfram, vàng đến các loài động thực vật, dược liệu quý hiếm đều bị khai thác, tận thu, bán qua biên giới. Có thể nói hệ sinh thái Phja Oắc bị con người ngày đêm tàn phá không thương tiếc. Họ ảo tưởng rừng Phja Oắc là nguồn lợi bất tận, mà biết đâu dưới tán rừng kia Phja Oắc đang mang đầy “thương tích”. Để cứu rừng, cứu Phja Oắc, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự tàn phá, khai thác của cư dân, để bảo vệ hệ sinh thái quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã khảo sát, có nhiều đề tài nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể nhằm cứu, bảo tồn hệ sinh thái và “đánh thức nàng tiên kiều diễm” thành ngành công nghiệp không khói. 
Nếu như trước đây, sườn Phja Oắc suốt hơn 30 năm của nửa cuối thế kỷ 20, mỏ thiếc Tĩnh Túc từng là con chim đầu đàn của ngành khai khoáng nước nhà đã dệt nên những bài ca rạo rực lòng người thì hôm nay Phja Oắc đang bừng tỉnh cùng công cuộc đổi mới của đất nước. Từ rừng đặc dụng, vị thế Phja Oắc đã được khẳng định khi trở thành Vườn Quốc gia nằm trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng: Điện lưới Quốc gia, tỉnh lộ 220, khu du lịch sinh thái hình thành. Đó là trang trại chè Ô long Kolia với sản phẩm trà sạch nằm trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển cho sản phẩm chè có vị thơm ngon đặc biệt, trở thành nơi du lịch sinh thái với không gian thoáng mát trong lành. Hồ nuôi cá hồi, cá tầm với muôn loài hoa khoe sắc thu hút du khách đến thăm. Rừng thông xanh tạo cho khu vực Phja Đén cảnh quan của một Đà Lạt thu nhỏ bốn mùa lộng gió. Khí hậu của hệ sinh thái trong lành, mát mẻ quanh năm nên những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tìm đến nơi này để khai thác nguồn tài nguyên và nghỉ dưỡng.

Dấu tích còn lại ngày nay là khu nhà Đỏ, nhà mát, nhà đạo và những bức tường xây bằng đá vẫn còn đó. Để khai thác lâu dài, người Pháp đã mở con đường nối từ thị xã Cao Bằng qua đèo Lê A - Phja Đén đến Nà Phặc (là tỉnh lộ 212, 253 ngày nay). Theo các cụ cao niên, đèo Lê A mang tên một nữ kỹ sư người Pháp có công thiết kế và khảo sát con đường, cũng có tương truyền khác, một kỹ sư người Pháp lấy tên vợ mình đặt cho con đèo hiểm trở này. Cư dân sống quanh Phja Oắc truyền nhau một câu chuyện kỳ bí rằng: Có một tiều phu vào rừng hái lượm bắt gặp một đàn bò bằng vàng, khi xua đuổi đàn bò chạy xuống thung lũng Nặm Slâư, sau này là mỏ thiếc Tĩnh Túc. Câu chuyện muốn nói lên Phja Oắc là một mỏ vàng. Khi khai thác, mỏ thiếc Tĩnh Túc đã thu được một sản lượng vàng đáng kể. Không chỉ giàu về tài nguyên khoáng sản, Phja Oắc còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng cao. Đó là nghệ thuật chạm bạc của đồng bào dân tộc Dao Tiền, Dao Đỏ, là kỹ năng thêu nhuộm làm nên những bộ trang phục sặc sỡ...

Phja Den
Núi rừng Phja Oắc hùng vĩ. Ảnh: Thế Vĩnh

Đi trong đại ngàn ngào ngạt hương rừng, du khách được hòa mình vào thiên nhiên giữa tiếng gió reo, róc rách tiếng suối, tiếng chim lảnh lót như bản hòa tấu vang vọng bốn mùa. Phja Oắc cho ta những sản vật quý từ bó măng sặt, xâu nấm hương rừng đến các loại củ quả như củ mài… vừa là thực phẩm sạch, bổ dưỡng vừa là các vị thuốc quý. Đến Phja Oắc vào mùa đông gặp dịp tuyết rơi hoặc có băng giá, khung cảnh ở đây có thể sánh với Phan-xi-păng hay đỉnh Mẫu Sơn, tạo cho du khách sự ngỡ ngàng, đầy sức cuốn hút. Quần tụ quanh ngọn núi này là cư dân các dân tộc từ bao đời sống gắn bó mộc mạc, chân thành và mến khách, không bon chen giữa núi rừng. Bây giờ tất cả mới manh nha hình thành ý tưởng về du lịch, song người dân đã biết mang các sản phẩm địa phương phục vụ du khách. Ngã ba Sơn Đông, cửa ngõ Phja Oắc đã hình thành một khu chợ nhỏ có bán từ rau rừng, các cây thuốc quý đến các loại thực phẩm, lương thực. Khu vực Phja Đén với đặc sản miến dong, chè Ô long đã và đang hình thành thương hiệu vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. 
Trong hai năm trở lại đây, vào các dịp nghỉ lễ, mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, khám phá Phja Oắc - Phja Đén. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp không khói của Nguyên Bình nói riêng và Cao Bằng nói chung. Do vậy, cần có một chiến lược, quy hoạch tổng thể và bền vững để phát huy thế mạnh sẵn có và mời gọi đầu tư, là bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, kết hợp phát triển du lịch gắn với quảng bá nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, biến Phja Oắc thành điểm đến xứng với tầm cao của một địa danh giàu tiềm năng và sức sống.

 
Mạnh Hùng
Theo: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây