Pác Bó điểm đến hấp dẫn du lịch “đỏ” và “xanh”

Thứ năm - 12/09/2019 14:53
Trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt (DTQGĐB) Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), thật hấp dẫn và lôi cuốn bởi sự kết hợp song hành giữa du lịch “đỏ”- hành trình theo chân Bác Hồ vĩ đại và du lịch “xanh” - thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về bảo vệ môi trường trong Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
IMG 5506
IMG 5506

TÁI HIỆN SINH ĐỘNG VỀ BÁC HỒ TRÊN MẢNH ĐẤT ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC
Đoàn chúng tôi vừa bước đến khuôn viên Khu DTQGĐB Pác Bó đã được hướng dẫn viên Vi Thị Thảo, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng trong bộ quần áo chàm dân tộc Nùng tiếp đón niềm nở, kể cho chúng tôi nghe vì sao hơn 78 năm trước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó (Cao Bằng) là nơi trở về nước để trực tiếp lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng (năm 1941 - 1945)... Và lời thơ xúc động ấm áp ngân lên: “Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...” (Theo chân Bác -  Tố Hữu). Chúng tôi như được thấy Bác trong giây phút thiêng liêng đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Để hoạt động cách mạng đảm bảo bí mật, những ngày đầu mới về nước, cuộc sống gian khổ nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Già Thu vẫn ở trong hang lạnh Pác Bó, nung nấu ý chí mở đường đấu tranh cách mạng cho dân tộc: “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/Ai hay ngọn lửa trong hang núi/Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau”... (Tố Hữu). Với tình cảm sâu sắc về Bác thấm đẫm trong tâm tư, cô hướng dẫn viên vừa xúc động kể vừa diễn giải cảm xúc tại các điểm di tích được bảo tồn nguyên vẹn gắn với những tháng ngày Bác Hồ sáng ra bờ suối tối vào hang Pác Bó, làm việc trên bàn đá, ra điểm câu cá, đến lán Khuổi Nặm, mốc 108 chứng kiến dấu chân Người... Cả đoàn chúng tôi và nhiều du khách bị cuốn hút theo lời kể, như thấy dấu chân Bác xưa trên mỗi phiến đá, bước chân qua suối reo... Nhiều du khách cảm động ngấn nước mắt, người thì lấy sổ bút ghi lại, người thì dùng điện thoại ghi âm lại lời thuyết minh, chụp nhiều tấm ảnh nơi đã ghi dấu chân Bác...
Cùng với trải nghiệm cảnh quan di tích đẹp, tái hiện những ngày Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Pác Bó gắn bó tình cảm với bà con nơi đây qua lời kể của hướng dẫn viên, chúng tôi còn được chứng kiến khí thế đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân Cao Bằng dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ khi vào thăm Bảo tàng Pác Bó. Bảo tàng Pác Bó được xây dựng hiện đại, bố trí làm 3 khu lớn.

Mỗi khu phục dựng mô phỏng sinh động có tính mỹ thuật cao gắn với hàng trăm hiện vật, tư liệu quý về Bác Hồ đã tái hiện một chặng đường lịch sử hào hùng mà Bác trực tiếp lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng trong tháng ngày đầu gian khó nhất; những tướng lĩnh giỏi, nhân vật lịch sử nổi tiếng gắn với thời gian Bác ở Cao Bằng; liên kết cách mạng trong nước với phong trào quốc tế vô sản; tình cảm Bác với nhân dân Cao Bằng...

Tất cả được tái hiện lại chân thực, sinh động về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã gắn bó hoạt động tại Pác Bó, khởi đầu con đường đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc giành thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh đại diện cho tiến bộ nhân loại.
Điểm quan trọng mà du khách không thể bỏ qua là đến dâng hương Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao, nhìn rộng ra 4 hướng ngắm mây, núi trùng điệp và dòng suối uốn lượn chảy hiền hòa. Hướng dẫn viên Vi Thị Thảo cho biết: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xây theo kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày, Nùng với ý nghĩa dù Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn còn sống mãi trong ngôi nhà sàn ấm áp với đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Vì thế, Đền thờ trở thành điểm đến tâm linh, để du khách gần xa đến dâng hương, tri ân, báo công lên Người.
Anh Ngô Văn Hòa, du khách Hà Nội chia sẻ: Dù Bác đã đi xa nhưng công lao trời biển của Người dành cho dân tộc Việt Nam vẫn còn mãi. Tôi luôn tâm niệm vậy nên hằng năm tôi đưa con lên thắp hương tri ân, báo công lên Bác Hồ, noi gương, học tập Bác.
HẤP DẪN DU LỊCH “XANH”
Cùng với sự cuốn hút du lịch “đỏ” tái hiện lại những ngày Bác Hồ ở Pác Bó khởi đầu gây dựng một cuộc cách mạng vĩ đại cho dân tộc, Pác Bó còn hấp dẫn chúng tôi trải nghiệm du lịch “xanh - sạch - đẹp”. Đây là nét hấp dẫn bởi Khu DTQGĐB Pác Bó vinh dự là điểm đến quan trọng trong tuyến hướng Bắc “Hành trình về với cội nguồn” của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bảo vệ môi trường theo quy định của Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO.
Đến Pác Bó, du khách có thể thỏa thích ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm vì có nhiều cảnh sắc. Cảnh quan Pác Bó “xanh” bốn mùa hoa khoe sắc thắm bởi sự đan xen giữa thiên nhiên ban tặng núi rừng hùng vĩ, dòng suối Lê-nin hiền hòa, uốn lượn như dải lụa mềm ôm lấy chân núi với sự tôn tạo về thiết kế mỹ thuật, bố trí trồng các loại hoa, cây cảnh trên các khuôn viên, đường đi làm cho cảnh quan luôn mới. Sự đan xen hài hòa đó đã tạo cho Pác Bó trở thành bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ hai bên đường đi vào cổng Khu di tích được thiết kế trồng nhiều hàng hoa treo giỏ, bồn hoa tươi sắc màu. Hàng nghìn giỏ hoa treo dọc các đường đi, vách núi, tạo thảm hoa di động làm thành banơ có dòng chữ bằng hoa tươi thắm rất bắt mắt. Vườn hoa thanh niên rộng hàng nghìn mét vuông, trồng nhiều loại hoa theo bốn mùa và tạo nhiều hình, khóm, cụm cắt tỉa tạo hình đẹp để du khách ngắm cảnh. Từ khuôn viên trước sân Bảo tàng lên dốc đến Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hàng hoa treo giỏ xếp nhiều hình. Đứng ở góc nào, đường đi nào du khách cũng được đi giữa đường hoa, ngắm hoa, chụp ảnh.

Phó Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Đinh Thị Hằng Nga cho rằng: Để cảnh quan Pác Bó đẹp, luôn có nhiều màu sắc thay đổi hấp dẫn, Ban Quản lý trồng hoa theo mùa để mỗi mùa có một màu hoa chủ đạo. Mùa xuân, hè chủ đạo hoa hồng, hoa mười giờ đỏ. Sang thu, đông trồng các loại hoa mỏng cánh bướm, chăm sóc hoa đào nở hoa hai bên đường đi từ suối Lê-nin vào hang...
Chị Lưu Thu Hà, quê Hải Phòng phấn khởi chia sẻ: Đến Pác Bó, tôi choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên và cảnh quan xanh, sạch, đẹp nhiều màu sắc nơi đây. Tôi đã chụp ảnh đường hoa hồng trong khuôn viên Bảo tàng, điểm km số 0 đường Hồ Chí Minh vì có nhiều bồn hoa rất đẹp. Đặc biệt tôi thấy việc gìn giữ môi trường cảnh quan nơi đây rất tốt, có nhiều biển báo cấm vứt rác bừa bãi và đặt nhiều thùng rác để du khách tiện bỏ rác. Đường  lên dốc Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hàng cây lưu niệm xanh tốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mỗi cây đều được gắn biển, đại diện đặc trưng cho từng tỉnh trong cả nước đem về đây trồng mọc tươi tốt, phủ xanh hai bên đường đi.
Để giữ gìn, bảo vệ môi trường tốt, hiện nay, Ban Quản lý di tích xây dựng kế hoạch cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Theo anh Trần Mạnh Linh, Tổ trưởng Tổ Chăm sóc vườn hoa cây cảnh Ban Quản lý di tích, Tổ chỉ có 5 người nhưng chăm sóc hàng nghìn cây xanh, chậu hoa, bồn cảnh và làm vệ sinh Khu DTQGĐB Pác Bó có diện tích hơn 10 ha nên công việc rất vất vả.

Đặc biệt chuẩn bị cho những ngày Tết, lễ đón lượng du khách rất đông, Tổ làm việc cả ngày không nghỉ thay cây cảnh, chậu hoa, chăm sóc, tưới cây... Bên cạnh làm nhiệm vụ môi trường, Tổ và đội ngũ hướng dẫn viên cùng phối hợp tuyên truyền cho người dân nơi đây và khách du lịch vứt rác đúng quy định, đặc biệt hạn chế dùng túi nilon, bao bì nhựa, chai nước nhựa, vứt đồ nhựa ra môi trường. Do đó môi trường ở đây luôn được bảo vệ tốt...
Cảm nhận về sự sạch, đẹp của Khu di tích, anh Trần Văn Hoàng, du khách Quảng Ninh phấn khởi: Càng đi vào sâu lên đầu nguồn suối Lê-nin, hang Pác Bó tôi càng thấy bị lôi cuốn bởi nước trong vắt chảy rì rào nhìn từng sợi rêu, đàn cá bơi lội tung tăng. Thú vị hơn, chúng tôi được tự tay chăn cá, ngắm nhìn đàn cá hàng trăm con đớp mồi. Rất yên tâm cúi xuống, vục tay uống từng ngụm nước đầu nguồn trong vắt, mát ngọt. Tôi mong cảnh quan, sinh thái tươi đẹp nơi đây luôn được bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo ngày càng đẹp hơn xứng tầm với DTQGĐB để quảng bá cho du lịch Cao Bằng.                     

Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh quyết định đầu tư Khu DTQGĐB Pác Bó làm du lịch trọng điểm, huy động hàng tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở, tôn tạo các điểm di tích, xây dựng Bảo tàng Pác Bó quy mô hiện đại; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bảo vệ môi trường theo quy định của Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO; thiết kế mỹ thuật, đầu tư nhiều hạng mục cải tạo cảnh quan đẹp; tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu Pác Bó trên các trang mạng và truyền thông đại chúng; kết nối điểm du lịch đỏ theo chân Bác Hồ hoạt động ở Quảng Tây, Trung Quốc và các tuyến, tour trong nước... Với những nỗ lực trên, Pác Bó thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng. Năm 2018, Pác Bó đón hơn 140.000 lượt người. Trong 6 tháng 2019 đã đạt trên 140.000 lượt, tăng 50% so với cùng kỳ. Dự kiến sẽ đạt gần 300.000 lượt khách đến cuối năm 2019, chiếm gần 30% tổng số du khách đến Cao Bằng.

Nguồn tin: Nhóm P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây